Tìm kiếm tin tức
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Ngày cập nhật 11/01/2019
Ảnh minh họa
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, diễn ra ngày 3-1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị tốt các điều kiện về tổ chức sản xuất, bảo đảm quản lý tốt về giá cả vật tư nông nghiệp, không có hiện tượng giống giả, phân bón giả...
Đặc biệt, về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Thủ tướng cho rằng, một nền nông nghiệp “bẩn” thì không thể tồn tại được, phải làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn.Số liệu của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2018 cả nước có hơn 90 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 15 trường hợp tử vong.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bước sang năm mới Kỷ Hợi, và cũng là mùa lễ hội kéo dài nhất trong năm, cho nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân rất lớn. Hiện đang là dịp để các cơ sở sản xuất, kinh doanh cả nước tăng cường thu mua, dự trữ các mặt hàng để cung ứng ra thị trường, nhưng cũng là dịp để các đối tượng xấu tăng cường trục lợi từ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh ATTP.
Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2019, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP đã thành lập sáu đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm từ ngày 1-1 đến 25-3-2019. Đồng thời, Cục ATTP cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào: những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội, như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; các làng nghề chế biến thực phẩm. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, đi đôi với thanh tra, kiểm tra, cần kết hợp với tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm. Trước khi chọn mua thực phẩm cần đọc kỹ nhãn mác sản phẩm; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng; không dùng đồ uống có cồn công nghiệp vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không ăn các loại nấm lạ, nấm hoang...
Cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP. Các cơ quan chức năng cần kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP, xử lý các hành vi vi phạm; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.
 
Đặng Kiều - Báo Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.116.109
Truy câp hiện tại 209