Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, trên toàn quốc có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên mới chỉ phát hiện được khoảng 70%. Số còn lại chưa được phát hiện được sẽ là mối nguy cơ làm lây lan bệnh ra cộng đồng.
Khám điều trị tại khoa lâm sàng, BV Lao phổi tỉnh
Tại Thừa Thiên Huế, Chương trình chống lao quốc gia được triển khai hiệu quả 152/152 xã, phường, thị trấn. Cán bộ phụ trách công tác chống lao tại các tuyến được phân công trách nhiệm, phụ trách từng địa bàn để kịp thời nắm bắt biến động của bệnh nhân. Năm 2018, tại Bệnh viện (BV) Lao phổi tỉnh đã thu hút 4.210 lượt khám và phát hiện 235 trường hợp bệnh nhân lao các thể; trong đó có 100 trường hợp lao phổi AFB (+) mới (giảm 11,5% so với năm 2017), đưa vào quản lý, điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân lao của tỉnh được điều trị khỏi ở mức trên 95.4%.
Ngoài khám, điều trị, BV Lao phổi tỉnh phối hợp với các ban, ngành đoàn thể thực hiện hiệu quả chiến dịch truyền thông nhân ngày Thế giới phòng chống lao dưới nhiều hình thức, như, treo băng rôn, phát tờ rơi, tổ chức giao lưu văn nghệ; phát quà hỗ trợ bệnh nhân... Đồng thời quan tâm thực hiện tốt Dự án phòng chống lao tuyến tỉnh theo đúng định hướng Chương trình chống lao quốc gia, nâng cao chất lượng hỗ trợ tuyến cơ sở, giám sát dịch tễ tại địa phương có người bị bệnh lao để phát hiện sớm nguồn lây, bảo đảm giám sát chặt chẽ bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Bác sĩ CK II Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc BV Lao phổi tỉnh cho biết, lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao trong cộng đồng. Bệnh đe dọa, ảnh hưởng lớn tới tính mạng cũng như sức khỏe người bệnh. Triệu chứng lâm sàng của bệnh là ho kéo dài trên 2 tuần, khó thở, nhiều đờm, ho máu, đau ngực, sút cân nhanh... Bệnh lao có nhiều thể lao phổi và lao ngoài phổi như: Lao ruột, lao màng phổi, lao màng não…
Hiện nay, BV Lao phổi tỉnh ngoài đào tạo cán bộ y, bác sĩ chất lượng, còn đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, như Máy chụp, máy siêm âm 4D, hệ thống máy Mornitơ, máy xét nghiệm đờm Gene Xpert cho phép xác định nhanh vi khuẩn lao trong vòng 2 giờ, độ chính xác đạt hơn 99%... để nâng cao chất lượng điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nặng trước đây phải chuyển tuyến, nay đã được điều trị tại tỉnh, giảm chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh, gia đình.
Chị LHA. (P. Phú Hậu-TP.Huế) điều trị bệnh lao tại BV Lao phổi tỉnh chia sẻ, khi biết mình mắc bệnh lao, chị rất hoang mang, ngại tiếp xúc với mọi người, nên bệnh ngày càng nặng. Khi được các y, bác sĩ giải thích, tư vấn chị uống thuốc đúng lịch, đúng thời gian nên bệnh cải thiện rõ. Chị A. rất tin tưởng, yên tâm điều trị dứt điểm để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, vừa tránh lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng.
Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng tránh được, đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi. Đồng thời, giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng; rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. "Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách", bác sĩ Võ Đại Tự Nhiên nói.