Tìm kiếm tin tức
Một số điểm mới trong việc xác định mức độ khuyết tật
Ngày cập nhật 28/03/2019

Ngày 02 tháng 01 năm 2019, Bộ Lao động - TBXH vừa ban hành Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2019 và thay thế Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012.

Thông tư này quy định hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật; hồ sơ, thủ tục và trình tự xác định mức độ khuyết tật; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật; kinh phí thực hiện xác định mức độ khuyết tật.

Đối tượng áp dụng: Cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật; Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Người khuyết tật; Người đại diện hợp pháp của người khuyết tật; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập, bao gồm các thành viên: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoạt động theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 16 Luật Người khuyết tật, đồng thời có nhiệm vụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật; xác định lại mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật.

Về trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì các hoạt động của Hội đồng. Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật hoàn thiện hồ sơ xác định mức độ khuyết tật; tham khảo ý kiến của cơ sở giáo dục về thông tin của người được xác định mức độ khuyết tật nếu người đó đang đi học, bao gồm những khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật; mời đại diện cơ sở giáo dục trên địa bàn cấp xã (nơi đối tượng học tập) dự họp xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng (nếu cần thiết). Đối với Trạm trưởng trạm y tế cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin về chuyên môn y tế liên quan đến người khuyết tật cho Hội đồng. Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia xác định mức độ khuyết tật; tham dự các cuộc họp của Hội đồng và thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Về phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Người khuyết tật. Cụ thể, Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật ban hành kèm theo Thông tư này và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định tại Khoản 1 Điều này; phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ em và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi” theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định tại Khoản 1 Điều này, phỏng vấn người được xác định mức độ khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên” theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Thông tư 01 cũng quy định thủ tục và trình tự thực hiện xác định, xác định lại mức độ khuyết tật, cụ thể như: Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp; Giấy khai sinh đối với trẻ em; Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học; Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ; Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;

Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật. Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.

Về thủ tục và trình tự cấp Giấy xác nhận khuyết tật: Đối với trường hợp do Hội đồng thực hiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết, thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo. Còn đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Về thủ tục và trình tự cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật: Khi có nhu cầu đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật thì người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm đơn theo mẫu quy định của Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.Ủy ban nhân dân cấp xã cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật đồng thời thu hồi lại Giấy xác nhận khuyết tật cũ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ hồ sơ đang lưu giữ quyết định cấp đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật. Đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c, Khoản 2 Điều 8 Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết luận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cấp Giấy xác nhận khuyết tật không đúng về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật.

Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH cũng đồng thời quy định về kinh phí thực hiện, nội dung và mức chi cho các hoạt động của Hội đồng, cụ thể: Kinh phí thực hiện xác định mức độ khuyết tật được bố trí trong dự toán chi ngân sách cấp xã hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chi cho công tác xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật, bao gồm: Chi văn phòng phẩm; in ấn Giấy xác nhận khuyết tật, biểu mẫu; mua sổ, sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý. Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.Chi họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật: Chủ tịch Hội đồng tối đa 70.000 đồng/người/buổi; Thành viên tham dự tối đa 50.000 đồng/người/buổi; Chi nước uống cho người tham dự. Mức chi tối đa 15.000 đồng/người/buổi. Chi phí Giám định y khoa: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 243/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy Giám định y khoa. Chi tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác xác định mức độ khuyết tật; chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên của Hội đồng thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan./.

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.110.677
Truy câp hiện tại 2.901