Tìm kiếm tin tức
Gần dân & vì dân
Ngày cập nhật 13/04/2019
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng quà, động viên công nhân tại KCN La Sơn. Ảnh: Anh Phong

Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, chỉ đạo giải quyết những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc, đó là yêu cầu đặt ra đối với cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lắng nghe để giải quyết vấn đề hiệu quả

Mới đây, ngày 20/3, tại huyện Phú Vang, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu và lãnh đạo huyện đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn huyện. Nhiều ý kiến người dân đã được tiếp thu, giải thích cặn kẽ. Riêng ý kiến của một số người dân thị trấn Phú Đa phản ánh xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu lập tức chỉ đạo chính quyền địa phương và các phòng chức năng liên quan phải đảm bảo việc hướng dẫn các thủ tục rõ ràng cho người dân; rà soát, xem xét nếu vướng chỗ nào thì căn cứ vào các quy định của pháp luật đất đai để giải thích cho người dân hiểu rõ, thông suốt; nếu không vướng, phải hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo đúng quy định và giải quyết dứt điểm. Kết quả giải quyết phải được báo cáo với lãnh đạo huyện và Bí thư Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, ông Lê Trường Lưu cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Phú Vang và các xã, thị trấn rà soát toàn bộ các trường hợp chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn để giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống. Những ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh được người dân hoan nghênh, đánh giá cao.

Với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ, gần đây, ông thường xuyên về cơ sở vào ngày nghỉ cuối tuần sau khi nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh. Đầu tháng 9/2018, sau chuyến khảo sát cuộc sống của người dân trong khu vực di tích, chứng kiến các hộ dân sinh sống tạm bợ trong điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, đến cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản thế giới; lắng nghe người dân nói và hiểu được tâm tư của họ muốn có một nơi ở mới ổn định, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hứa sẽ lên kế hoạch trình Chính phủ để sớm di dời và bố trí tái định cư cho người dân khu vực I Kinh thành Huế.

Đúng như những gì đã hứa, ngày 24/10/2018, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Thủ tướng Chính phủ và đượcThủ tướng Chính phủ đồng tình cao về chủ trương di dời khu vực dân cư này. Tại diễn đàn Quốc hội ngay sau đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo nguyện vọng của cử tri trong tỉnh về vấn đề di dân khu vực 1 Kinh thành Huế. Những ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tiếp tục cùng các sở, ngành liên quan ở địa phương kiểm tra thực địa để chuẩn bị công tác tái định cư cho 4.200 hộ dân nơi đây. Ông cũng gặp gỡ nhiều hộ dân và chỉ đạo UBND TP. Huế công khai tất cả các hồ sơ, chính sách, cơ chế về di dời giải tỏa cho bà con.

Ở cấp huyện, thị, chúng tôi cũng được biết đến nhiều lãnh đạo địa phương đã đổi mới phong cách, lề lối làm việc bằng việc sắp xếp thời gian về cơ sở để đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân.

Tại huyện Phú Vang, thông qua hàng chục buổi đối thoại trực tiếp với dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời đưa ra những kết luận, chỉ đạo chính quyền địa phương giải quyết nhiều vấn đề người dân quan tâm như: việc tìm nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa nước sạch về cho dân, đề ra phương hướng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới…

Tăng cường về cơ sở

Các cấp ủy Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung đã tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó nhấn mạnh, phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ Người luôn tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng nhu cầu thường trực của Bác luôn là về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm dân tình, dân tâm, dân ý.

Để thực hiện tốt chuyên đề về học Bác, có nhiều việc cần làm. Trong đó, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về "dân làm gốc"; chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tự do sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương theo Quy định 08-Qđi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); đồng thời, nghiêm túc thực hiện yêu cầu về tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với Nhân dân được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là “cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”…

Trên toàn tỉnh hiện đang triển khai nhiều dự án lớn có liên quan đến việc di dời dân cư như giải tỏa khu vực 1 Kinh thành Huế, mở rộng sân bay Phú Bài, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn… và nhiều chương trình, đề án đòi hỏi phải có sự vào cuộc của người dân. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân, đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử cần tăng cường về cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vướng mắc nếu có; mặt khác, lắng nghe và có hướng giải quyết những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.109.063
Truy câp hiện tại 2.290