Tìm kiếm tin tức
Chiến thắng được bắt đầu từ một quyết định gây sửng sốt
Ngày cập nhật 06/05/2019
Chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De castries. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Gần trưa ngày 26/1/1954, chỉ vài giờ trước khi bắt đầu nổ súng tổng công kích, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định bất ngờ gây sửng sốt: Rút bộ đội và pháo ra khỏi tuyến tập kết để chuẩn bị lại theo phương án mới.

Một quyết định gây sửng sốt

Tháng 1/1954, tại Điện Biên Phủ, pháo đã được kéo vào trận địa, phương án tiến công đã thông qua. Điểm quyết chiến chiến lược đã được chọn, trận đánh quyết định sắp bắt đầu.

Sáng 26/1/1954, các sĩ quan giúp việc cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gặp ông nghiên cứu bản đồ với một nắm ngải cứu quấn trên đầu. Ông giải thích: “11 ngày qua tôi suy nghĩ rất nhiều, đêm qua tôi không ngủ được. Chiều nay trận đánh sẽ bắt đầu nhưng những yếu tố chắc thắng thì quân ta chưa hoàn toàn nắm được…”. Ông mời Cố vấn Vi Quốc Thanh sang họp gấp và trong buổi sáng hôm đó, Cố vấn Vi Quốc Thanh được nghe một quyết định quan trọng của Tướng Giáp: “Theo tôi, nếu đánh theo kế hoạch cũ thì sẽ thất bại…”.

Dựa trên tất cả những thông tin thu được của địch và tình hình thực tế của ta, Đại tướng đã có một quyết định quan trọng gây sửng sốt cho cả Bộ Chỉ huy chiến dịch và đoàn cố vấn Trung Quốc: kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này Đại tướng cho rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông. Nhiều ý kiến trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận hơn nửa giờ sau đó vẫn nghiêng về quyết tâm đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng lý lẽ của vị Tổng tư lệnh dựa trên nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng” đã thuyết phục được những vị tướng khác đi đến nhất trí với phương án mới.

Đó là lúc 11 giờ trưa ngày 26/1/1954, chỉ vài giờ trước khi quân ta nổ súng. Quyết định quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định vận mệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào khu trung tâm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: “Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm”. Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình của mình "Giáp, một sự đánh giá" (1992) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

Một thiên tài quân sự

Sinh thời, khi nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS. Hoàng Minh Thảo đã đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.

Dựa chắc trên tư duy khoa học, trí tuệ, sự nhạy cảm hiếm có của một thiên tài quân sự, lúc cần, ông rất thận trọng “đánh chắc tiến chắc”. Khi thời cơ đến, ông kiên quyết hạ lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/ Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, quyết giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa 1975 - tất cả đều nhằm đạt được chiến thắng với hiệu quả cao nhất, hạn chế thấp nhất hy sinh của chiến sĩ đồng bào. Đó chính là cách “cầm quân” của Võ Nguyên Giáp.

Ông là “Vị Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh” - như lời Thượng tướng Trần Văn Trà.

 Vị tướng nhân văn bình dị giữa lòng dân

Các học giả thế giới đều nhất trí đánh giá về “tính nhân dân và nhân văn” rất đậm nét trong sự nghiệp của vị Tổng chỉ huy lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Ông là vị tướng đứng đầu quân đội, như­ng sống gần gũi, thân ái, đoàn kết, chân thành với đồng chí đồng đội, tôn trọng, thương yêu, dân chủ, bình đẳng, rộng lượng đối với cấp dư­ới và gần gũi với Nhân dân. Trên hết, “Anh Văn” luôn coi việc được đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nư­ớc tin yêu, kính trọng và ủng hộ là phần thưởng cao quí nhất, là nguồn động viên to lớn nhất giúp Anh v­ượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ, Nhân dân giao phó.

Theo đại tá Nguyễn Huyên - Phụ trách Văn phòng của Đại tướng: “Từ ngày Anh về nghỉ hơn 20 năm nay, trong những ngày lễ, ngày tết, ngày sinh nhật, hàng năm có đến trên d­ưới 200 đoàn (20 - 30 đoàn quốc tế), trên d­ưới 2.000 ng­ười trong cả nư­ớc và bạn bè quốc tế đến thăm hỏi, chúc mừng. Hiếm có ng­ười lãnh đạo đã về nghỉ mà Nhân dân lại đến thăm hỏi đông đảo và có tình cảm sâu nặng như­ vậy. Đồng bào, đồng chí đến thăm Anh vì tình cảm yêu mến, quí trọng Anh tự đáy lòng, chứ không vì mục đích gì khác”.

Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi vang lên với chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng, không chỉ bởi tầm hiển hách của chiến công mà còn vì tinh thần nhân văn thấm đẫm trong nghệ thuật quân sự của ông.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.314.937
Truy câp hiện tại 5.179