Tìm kiếm tin tức
Hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi
Ngày cập nhật 01/06/2019
Tiêu độc khử trùng là giải pháp hạn chế dịch lây lan. Ảnh: HL

Tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, tỉnh vừa quy định mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả châu Phi (TLCP) trên địa bàn.

Chia sẻ khó khăn

Dịch TLCP khiến đàn lợn của 461 hộ chăn nuôi tại 65 thôn, 49 xã thuộc 7 huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế mắc bệnh. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy 1.855 con, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 98.896 kg (tính đến ngày 30/5).

Hộ ông Trần Đình Bách, thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú (Quảng Điền) là một trong các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, phải tiêu hủy 2 con lợn nái, 4 con lợn thịt, 3 con lợn theo mẹ. Ngoài làm nông, nuôi lợn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Bách. Cũng như ông, các hộ dân có lợn tiêu hủy do dịch bệnh cũng gặp không ít khó khăn.

Để hỗ trợ người nuôi lợn, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh. Theo đó, hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch TLCP buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn thịt, lợn con các loại; 65.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác.

Tuy nhiên do thị trường lợn thịt thời gian qua biến động, giá lợn hơi hiện chỉ còn 29.000-30.000 đồng/kg nên UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh, bổ sung giá hỗ trợ. Theo đó, lợn bị tiêu hủy từ ngày 24/5 mức hỗ trợ sẽ có những thay đổi, cụ thể, lợn thịt, lợn con các loại sẽ được hỗ trợ mức 25.000 đồng/kg hơi; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác 43.000 đồng/kg hơi.

Nếu giá thịt lợn hơi trên thị trường biến động (cao hoặc thấp hơn 15% mức giá thịt lợn hơi hiện tại), UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài chính tính toán, thông báo mức hỗ trợ, cụ thể: lợn thịt, lợn con các loại hỗ trợ 80% giá thịt lợn hơi trên thị trường; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 1,7 lần so với hỗ trợ các loại lợn khác.

Về công tác hỗ trợ, đến nay, theo bà Trần Thị Diệu Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, huyện đã tiến hành hỗ trợ 3 đợt: đợt 1 cho 2 hộ tại xã Phong Sơn; đợt 2 hỗ trợ cho hộ nghi nhiễm ngoài vùng dịch với 16 con; đợt 3 hỗ trợ cho hộ còn lại của Phong Sơn. Hiện đang tiến hành tổng hợp danh sách, tiến hành hỗ trợ đợt 4 cho các hộ có lợn tiêu hủy. Các địa phương khác đang lên danh sách, hướng hỗ trợ.

Tăng cường cấp phát Benkocid tại các chốt chặn trên địa bàn TX. Hương Thủy. Ảnh: VN

Cần giám sát công bố dịch

Một yêu cầu hiện nay trong công tác phòng, chống dịch là khâu giám sát công bố dịch.

Quá trình kiểm tra công tác chống dịch tại một số địa phương, chúng tôi ghi nhận, xuất hiện tình trạng các địa phương có lợn tiêu hủy nhưng không tiến hành lấy mẫu xét nghiệm vi rút dịch TLCP để công bố dịch.

Tại Phong Điền, ngày 28/5, ngoài 2 xã đã công bố dịch có lấy mẫu kiểm nghiệm dương tính (Phong Chương, Phong An) hiện có nhiều địa phương khác có lợn nghi nhiễm và đã tiến hành tiêu hủy như Phong Thu tiêu hủy 28 con, thị trấn Phong Điền 12 con; Phong Hòa 4 con; Phong Hiền 9 con; Phong Mỹ 3 con; Phong Sơn 2 con. Những hộ nghi nhiễm này, địa phương không tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm để công bố dịch.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ, việc kiểm nghiệm và công bố dịch thực sự cần thiết trong lúc này. Một mặt, lực lượng thú y và liên ngành sẽ giám sát được việc xuất nhập lợn ra vào vùng dịch, vừa có các giải  pháp khống chế dịch hiệu quả. Hiện, một số địa phương chỉ lấy mẫu tại một số xã, các xã còn lại dù có lợn tiêu hủy nhưng không lấy mẫu kiểm nghiệm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng dịch và khó khăn trong công tác hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn tiêu hủy trong thời gian tới.

Theo ông Hưng, UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm xác định chính xác đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cho từng đối tượng, chi trả, thanh, quyết toán kinh phí đúng đối tượng, đúng chế độ, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Nguồn lực hỗ trợ chống dịch gồm nguồn dự phòng ngân sách tỉnh;dự phòng ngân sách các huyện, thị xã, TP. Huế và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Kinh phí hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy gồm ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, 30% còn lại các huyện chủ động sử dụng nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện. Trường hợp các huyện có mức độ thiệt hại lớn, phần ngân sách địa phương vượt quá 10% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện được UBND tỉnh giao (không bao gồm dự phòng ngân sách cấp xã), ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 10% dự phòng ngân sách cấp huyện để các huyện có đủ nguồn lực thực hiện”.

Hương Thủy: 12/12 xã, phường nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Chiều 30/5, xã Dương Hòa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Hiện, TX. Hương Thủy có 12/12 xã, phường có lợn nhiễm dịch bệnh, tổng số lợn tiêu hủy trên toàn địa bàn 472 con (24.929kg), tính từ ngày 18/5.

Ông Nguyễn Khai – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy cho biết, tính đến ngày 30/5, các địa phương đã sử dụng 30 tấn vôi bột, 2.500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng. “Ngoài cắm biển báo, mỗi xã, phường thành lập ít nhất 2 điểm chốt chặn (cá biệt xã Thủy Thanh có 7 chốt chặn) để kiểm tra, ngăn vận chuyển lợn ra, vào vùng có dịch”, ông Khai nói.

Cũng theo ông Khai, TX. Hương Thủy có 4 lò mổ ở: Thủy Châu, Thủy Dương, Thủy Tân và Thủy Phù, trước đây mỗi lò giết mổ khoảng 50 con lợn/ngày, nhưng hiện các lò mổ này chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi lò 10-15 con/ngày với sự giám sát của lực lượng thú y.

Hàn Đăng

 

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.311.777
Truy câp hiện tại 3.974