Tìm kiếm tin tức
Cách tính 6 khoản trợ cấp BHXH khi mức lương cơ sở tăng từ 1/7/2019
Ngày cập nhật 04/06/2019

Mức lương cơ sở tăng sẽ kéo theo các khoản trợ cấp BHXH như: trợ cấp 1 lần sau khi sinh con, tiền lương hưu, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng… sẽ tăng lên. Cách tính các khoản trợ cấp BHXH sẽ như thế nào khi tăng mức lương cơ sở?

Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,49 triệu đồng, tăng thêm 100.000 đồng so với mức lương cơ sở hiện tại. Các khoản trợ cấp BHXH cũng có những thay đổi nhất định.

1. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Theo Điều 29, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày trong một năm. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Cách tính:

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau = 1,49 triệu đồng x 30% = 447.000 đồng/ngày

2. Trợ cấp một lần sau khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Theo Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con thì được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Nếu chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được nhận khoản trợ cấp này.

Như vậy, nếu sinh con từ ngày 1/7/2019 trở đi thì người lao động được trợ cấp thai sản là 2,98 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với trước đó.

Cách tính:

Trợ cấp một lần khi sinh con = 1,49 triệu đồng x 2 = 2,98 triệu đồng (trước đây là 2,78 triệu đồng)

3. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh

Căn cứ vào Điều 41, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 – 10 ngày. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Cách tính:

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh = 1,49 triệu đồng x 30% = 447.000 đồng/ngày

Như vậy, từ ngày 1/7/2019, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là 447.000 đồng/ngày; tăng 30.000 đồng/ngày so với trước.

4. Lương hưu tối thiểu hằng tháng

Theo Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở (trừ một số trường hợp cá biệt).

Như vậy, từ ngày 1/7/2019, mức lương hưu tối thiểu hàng tháng là 1,49 triệu đồng.

5. Trợ cấp mai táng

Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu… chết thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng.

Trợ cấp mai táng bằng 10 lần tháng lương cơ sở tại tháng mà các đối tượng nêu trên chết.

Cách tính:

Trợ cấp mai táng = 1,49 triệu đồng x 10 = 14,9 triệu đồng.

Từ ngày 1/7/2019, mức trợ cấp mai táng tăng lên 14,9 triệu đồng, thay vì 13,9 triệu đồng như trước.

6. Trợ cấp tuất hàng tháng

Theo Điều 67 và Điều 68 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định Người lao động đã đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần; Người đang hưởng lương hưu; Người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Mức trợ cấp tuất hàng tháng là 50% mức lương cơ sở đối với mỗi thân nhân; thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp hàng tháng là 70% mức lương cơ sở.

Cách tính:

Mức trợ cấp tuất hằng tháng với thân nhân = 1,49 triệu x 50% = 745.000 đồng/tháng

Mức trợ cấp tuất hằng tháng với thân nhân không trực tiếp nuôi dưỡng = 1,49 triệu đồng x 70% = 1,043 triệu đồng/tháng

Theo Dân việt
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.311.856
Truy câp hiện tại 4.012