Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay đã xảy ra chuyện “động trời” ở Quảng Bình, đó là đề môn ngữ văn đã gần như “giống nguyên xi” đề thi môn ngữ văn hết kỳ II của học sinh TP. Đồng Hới! Sự cố gây bức xúc dư luận đến mức đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu cơ quan công an phải vào cuộc làm rõ. Và Quảng Bình đã buộc phải tổ chức thi lại môn ngữ văn cho hơn 6.400 thí sinh trên địa bàn với vô kể những “hỉ nộ ái ố” từ dư luận xã hội.
Vì sao lại có cái sự lạ kỳ như vậy ở Quảng Bình? Nhiều phỏng đoán được đưa ra, riêng tôi thì cho rằng nguyên nhân phát xuất từ cái chuyện dạy thêm học thêm chứ không đâu xa.
Ai đã từng là phụ huynh, đã từng cho con đi học thêm hẳn không lạ với những thông tin rỉ tai thế này: Năm ngoái thầy X., cô Y. luyện trúng đề; học trò cô Z., thầy T. hầu như năm nào cũng “trúng tủ”, và tất nhiên những “lò luyện” của thầy T., thầy X., cô Z., cô Y. cứ vậy mà đông nườm nượp.
“Trúng tủ” hoặc trùng đề, người có am hiểu về giáo dục lý giải, thông lệ trước đây những giáo viên có uy tín, có thương hiệu thường được mời tham gia ra đề thi. Đề nộp lên và được thẩm định, đạt sẽ được vào ngân hàng đề. Sau này cũng tương tự, đề được nộp lên, được sở lựa chọn, tổ chức phản biện, điều chỉnh... để xây dựng ngân hàng đề. Điều bất cập là thầy cô có thương hiệu phần nhiều đều có tham gia dạy thêm, khi ra đề không tránh khỏi có “tư tâm” cho học trò của mình; hoặc để tạo thương hiệu, rất có thể họ sẽ tranh thủ cơ hội để ra những đề “thân quen”, nếu được bốc trúng, cái tiếng thầy/cô ấy “luyện trúng đề” sẽ lập tức lan truyền, hiệu ứng đi kèm có thể thấy trước…
Đó là mới nói đến hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm với chuyện thi cử. Còn nếu đằng thằng nữa thì sẽ thấy rất nhiều những bất cập khác nữa khiến cả xã hội hết sức mệt mỏi.
Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật và bình thường trong xã hội. Điều bất thường khiến nảy sinh đủ thứ phiền lụy là do thực trạng “chân trong chân ngoài”. Người dạy thêm có hiện tượng chăm chút cho “chân ngoài” bằng mọi giá, còn “chân trong” tóp teo thế nào cũng mặc. Thế nên hình ảnh người thầy, truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị tổn thương, giáo dục thì xuống cấp và xảy ra đủ thứ chuyện “trời ơi đất hỡi”. Bởi vậy, đã có không ít ý kiến đề nghị tách giáo dục chính quy với dạy thêm. Những nhà giáo đang là viên chức dứt khoát không được trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia dạy thêm. Những ai muốn có thu nhập từ dạy thêm, hãy tạo điều kiện nếu họ muốn nghỉ hưu để chuyên tâm cho nguyện vọng của mình. Những ai ở lại, hãy toàn tâm toàn ý cho trường lớp. Nhà nước quan tâm cải thiện chế độ chính sách lương tiền cho đội ngũ này để họ yên tâm công tác, để con em mình được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, tiên tiến và lành mạnh. Sẽ có phản ứng, chắc chắn là vậy. Nhưng không cách nào khác, đã đến lúc phải xây dựng lộ trình để đoạn tuyệt với câu chuyện dạy thêm, học thêm đầy phiền muộn, như một bước đi cần thiết đầu tiên cho cải cách, cải thiện nền giáo dục nước nhà.