Tìm kiếm tin tức
Về nhân cách người làm báo
Ngày cập nhật 21/06/2019
Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra đời, chính thức khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người làm báo - dù sinh thời Người chưa trực tiếp nêu vấn đề này - vẫn có giá trị soi sáng cho những người làm báo hôm nay.

Người làm báo cách mạng là công bộc của Nhân dân

Với các cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Được phục vụ Nhân dân là một vinh dự rất vẻ vang. Tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí của chúng ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Báo chí phải đóng vai trò vừa là người góp công xây dựng vừa là người góp phần bảo vệ sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Nhà báo là những người hoạt động xã hội tích cực bằng những hoạt động nghề nghiệp của mình. Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm xã hội của mình trong hoạt động tác nghiệp: Đề cao cái tốt, cái tích cực; phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Nhà báo phải gần gũi với quần chúng, học hỏi Nhân dân để tiến bộ, phải phản ánh trung thực hiện thực xã hội và luôn phải tâm niệm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người công bộc của dân: “Những gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, những gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận trong cả cuộc đời làm báo của mình “chỉ viết một đề tài”. Cũng tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 2, Người nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí như vậy đó”. Nhà báo Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực để minh họa khi nói đến vai trò của báo chí trong việc phục vụ Nhân dân, xã hội.

Thường xuyên rèn đức, luyện tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng chữ cán bộ viết báo, người làm báo thay cho chữ phóng viên. Tại Đại hội Hội Nhà báo lần thứ 3 (8/9/1962), Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Cách để tu dưỡng đạo đức cách mạng có hiệu quả, theo Người là giúp nhau tự phê bình và phê bình. Người nói: “Phê bình và tự phê bình (chữ in nghiêng trong nguyên bản) là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.

Bên cạnh việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức, việc học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ đóng vai trò rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ. Rèn đức luôn đi đôi với luyện tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc cần phải hoàn thiện cả phẩm chất và năng lực đối với người cán bộ cách mạng. Trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc (10/1947), Người đã nhắc nhở: “... bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và chính trị của mình”. Người cán bộ phải đầy đủ cả đức cả tài, không thể khiếm khuyết mặt nào - bởi vì “Có tài mà không có đức là người vô dụng” nhưng “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Với những người viết báo, yêu cầu về tinh thông nghiệp vụ cũng cần được đặt song song với những yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tư cách. Những “cán bộ viết báo” phải là một người có văn hoá - hiểu theo nghĩa rộng.

Rèn luyện bản lĩnh và nhân cách

Để có được những bài viết bám sát hiện thực xã hội, phục vụ Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu  những người làm báo (và Người là một tấm gương mẫu mực): Trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Người nêu lên 4 câu hỏi, cũng là 4 vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Trả lời đúng và đủ những câu hỏi đó, người làm báo đã thể hiện rõ bản lĩnh, nhân cách, đạo đức báo chí của mình.

Báo chí cách mạng Việt Nam đang được đặt trong bối cảnh mới với những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Trước hết là phải đi sâu vào thực tiễn để có thể phản ánh (và cả phản biện) rõ nét, chân thực tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội; góp phần tổng kết và phổ biến kịp thời những kinh nghiệm, bài học, từ đó có thể tham gia một cách năng động, tích cực vào quá trình hoạch định và hòan thiện các chính sách kinh tế - xã hội, tham gia và phát huy vai trò quản lý xã hội. Muốn được như vậy, nhà báo luôn cần/phải có cái tài để phát hiện và chuyển tải vấn đề, nhưng quan trọng hơn là phải có cái tâm trong sáng, phải có đủ bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ. Việc rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”. Những điều đó, Người đã căn dặn chúng ta cách đây hơn 50 năm.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.309.613
Truy câp hiện tại 3.148