Những cách làm hay
Cái lợi của BHYT, ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, sở hữu tấm thẻ BHYT lại câu chuyện khác. Kết quả khảo sát phường ven đô Thủy Phương (TX. Hương Thủy) cho thấy, hiện có hơn 14 ngàn dân nhưng tỷ lệ người dân tham gia BHYT vẫn không cao do kinh tế khó khăn, nhất là những hộ có đông thành viên, thu nhập bấp bênh... Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, nhiều nhóm đối tượng ở hộ nghèo, cận nghèo, vùng kinh tế khó khăn nhưng sau khi thoát nghèo, không được hưởng chế độ chính sách nên họ không tham gia. Nhiều gia đình đông con cũng không tham gia BHYT.
Đáng mừng là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đã và đang xuất hiện nhiều cách làm hay trong công tác vận động người dân tham gia mua BHYT. Cách đây mấy năm, để giúp hộ buôn bán nghèo ở chợ Cầu Đất (TP. Huế) có tấm thẻ BHYT phòng thân, chị Đoàn Thị Phong Lan, cán bộ thu thuế của chợ đã nghĩ ra cách, cho nhiều chị em mượn tiền mua thẻ BHYT theo kiểu “trả góp”, mỗi ngày thu từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng. Bằng cách này, tiểu thương nghèo ở chợ Cầu Đất hầu như ai cũng có thẻ BHYT. Còn ở Thủy Phương, Hội LHPN phường có sáng kiến, vận động mỗi chị tiết kiệm từ 70 - 100 nghìn đồng mỗi tháng. Số tiền tiết kiệm được ưu tiên cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn mượn mua mới BHTY, hoặc những chị có thẻ đã đến thời gian cần gia hạn.
Cách mua BHYT sáng tạo và giàu ân tình ở chợ Cầu Đất hay Thủy Phương đã và đang được nhân rộng. BHXH tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với hệ thống rộng khắp, bao phủ 152 xã phường, tạo điều kiện để gia đình đông con mua thẻ BHYT 3 tháng - 6 tháng/lần. Tính đến 30/6/2019, số người tham gia mua BHYT ở Thừa Thiên Huế đạt con số 1.141.517 người, tăng 1,71% so với với cùng kỳ năm trước và đạt 99,32% so với kế hoạch giao của BHYT Việt Nam. Với kết quả này, Thừa Thiên Huế tiếp tục dẫn đầu cả nước về “phủ sóng” BHYT toàn dân.
Làm tốt các dịch vụ y tế
Thừa Thiên Huế đang tập trung nâng cao chất lượng, củng cố hệ thống y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh; tiếp tục duy trì ở tuyến xã có 100% bác sĩ, đầu tư các trang thiết bị cơ bản, giải quyết khoảng 50% tổng số bệnh nhân khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh. Thẻ BHYT giúp người bệnh được đảm bảo điều trị, nhất là những trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên. Đặc biệt, người cận nghèo sẽ được thanh toán đến 95% viện phí thay vì chỉ 80% so với các năm trước.
Về chất lượng dịch vụ y tế, hiện hệ thống khám chữa bệnh đã phủ lấp đến 192 cơ sở trong toàn tỉnh; mở rộng sang cả khu vực công lập và tư nhân. Thừa Thiên Huế có Bệnh viện Trung ương Huế đóng trên địa bàn với nhiều kỹ thuật tiên tiến được ghi nhận, người dân có thể yên tâm khi chữa bệnh. Từ đầu năm 2019 đến nay nhiều cải tiến được ngành BHXH thực thi hướng đến quyền lợi của bệnh nhân. Đặc biệt, ngành phối hợp với Sở Y tế thống nhất trong việc quy định sử dụng thuốc cho các phòng khám chưa phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn; tháo gỡ vướng mắc trong việc chuyển tuyến và điều chỉnh công tác chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Hướng tới BHYT toàn dân
Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh có Kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Theo đó, xác định mục tiêu mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2020, có 94% dân số tham gia BHYT.
Để có được thêm một người đăng ký tham gia BHYT là công sức chắt chiu của cả cộng đồng. Từ thực tiễn công tác, ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ thuộc BHXH tỉnh cho rằng, muốn nâng cao công tác phát triển đối tượng, trước hết cần phải dựa vào chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn. Chính quyền và các tổ chức, đoàn thể gần gũi với cộng đồng dân cư, gắn liền với cộng đồng văn hóa, họ tộc và thường có uy tín cao với người dân.
Với phương châm “hiểu rõ để... tự nguyện”, từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã mở nhiều các hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho người dân, hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện, tham gia BHYT. Đơn vị cũng làm việc với các trường học có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT thấp để đôn đốc nhà trường tăng cường thực hiện thu nộp BHYT học sinh sinh viên, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Chưa có những đột phá nhưng số người tham gia BHYT ở Thừa Thiên Huế cho thấy những chuyển biến tích cực. Đúng như nhận xét của ông Trương Công Khả: “Bản chất của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là dành cho cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Cho nên, khi người dân hiểu rõ, họ sẽ thực hiện vì cộng đồng…”.