Đa dạng hoạt động truyền thông
Trước đây, truyền thông dân số chủ yếu hướng vào lĩnh vực KHHGĐ. Hiện nay, truyền thông dân số có thêm nhiệm vụ mới là nâng cao chất lượng dân số. Trên cơ sở đó, gần đây, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về dân số và chất lượng sống cho người dân. Hiệu quả nhất là hình thức truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, thông qua mạng lưới cộng tác viên (CTV).
Theo ông Phan Mậu Dưỡng, Trưởng phòng DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền, với phương châm “Củng cố từ gốc”, những vướng mắc đều được đội ngũ CTV dân số nắm bắt kịp thời, giải quyết nhanh gọn. “Mưa dầm thấm lâu” là phương thức mà đội ngũ CTV áp dụng. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, các mô hình, đề án về kiểm soát dân số các vùng biển, ven biển... phát huy hiệu quả.
Các hoạt động truyền thông dân số còn được phối hợp với các tổ chức, ban ngành, đoàn thể các cấp, qua đó tổ chức các diễn đàn truyền thông “Nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ”; giao lưu và truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho công nhân, người lao động tại các công ty, khu công nghiệp trong địa bàn; phối hợp triển khai chiến dịch và tăng cường vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.
Việc xây dựng, phát triển các mô hình tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ hoạt động có hiệu quả, như Câu lạc bộ Tiền hôn nhân, sống khỏe, kỹ năng sống, gia đình hạnh phúc... tạo sân chơi bổ ích, tập hợp được đông đảo đoàn viên-thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, trang bị được kiến thức cơ bản về SKSS, tránh xa các tệ nạn xã hội...
Vẫn còn hạn chế
Hiện nay, công tác truyền thông DS-KHHGĐ, thay đổi hành vi cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế. Một số đơn vị chưa tham mưu kịp thời cho UBND các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo; kinh phí địa phương hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ còn “khiêm tốn” nên hoạt động truyền thông chưa lan tỏa sâu rộng. Các hoạt động truyền thông vẫn chưa có tính sáng tạo, đổi mới về nội dung lẫn hình thức..., nhàm chán đối với người tiếp cận.
Ông Lê Đức Hy, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác truyền thông; trong đó, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương truyền thông nâng cao nhận thức DS-KHHGĐ cho nhóm đối tượng, nhất là về thực trạng giới tính khi sinh; thông tin tình hình dân số trong độ tuổi lao động, di biến dân cư... nhằm giúp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng.
Việc phối hợp triển khai một số kỹ thuật mới về sàng lọc trước sinh, hỗ trợ mở rộng các cơ sở sàng lọc ở tuyến dưới đủ điều kiện; đảm bảo 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đáp ứng đầy đủ nhu cầu tư vấn, khám sàng lọc trước sinh và sau sinh; mở rộng hoạt động mô hình “Cụm dân cư không sinh con thứ ba trở lên”; “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; chăm sóc người cao tuổi; thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và các dịch vụ SKSS-KHHGĐ phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương…
Từ năm 2015 đến nay, tỷ suất sinh hàng năm toàn tỉnh đều giảm đạt và vượt kế hoạch giao. Hiện nay, tỷ lệ tăng tự nhiên dân số giảm còn 1,08%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm15,9%; tỷ số giới tính khi sinh là 114,8 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai đạt trên 88%... |