Dấu mốc lịch sử và phản ánh tương quan mang tính thời đại
Sau 71 ngày đàm phán (từ ngày 8/5/1954), Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được ký ngày 20/7/1954. Nước Pháp từ vị thế kẻ cai trị thực dân đã phải công nhận và tôn trọng quyền cao nhất của dân tộc Việt Nam là độc lập, quyền cao nhất của Nhân dân Việt Nam là tự do.
Nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một biểu tượng ngời sáng của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, là tấm gương cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc chiến tranh, buộc Pháp phải rút hết quân, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo điều kiện để xây dựng trong hòa bình, tạo cơ sở pháp lý quốc tế để đấu tranh thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới với tương quan thế và lực khi đó, bản Hiệp định đạt được chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của Nhân dân Việt Nam nói riêng, Nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường do sự chi phối của xu thế hoà hoãn và sự thoả hiệp của các “nước lớn”. Sự tham gia (và can thiệp) của nhiều cường quốc với những lợi ích khác nhau - khi lẽ ra việc đàm phán để kết thúc chiến tranh phải là công việc chủ yếu giữa các lực lượng kháng chiến ở Đông Dương với Pháp - khiến Việt Nam đã buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ với sự thiệt thòi trong việc phân chia lãnh thổ (vĩ tuyến 17 thay cho vĩ tuyến 13) và thời hạn tổng tuyển cử thống nhất đất nước bị kéo dài hơn (2 năm so với 6 tháng).
Lực lượng cách mạng ở Campuchia không có vùng tập kết. Vùng tập kết của lực lượng cách mạng Lào chỉ là 2 tỉnh Phong-sa-lỳ và Sầm Nưa-nhỏ hơn nhiều so với vùng giải phóng trên thực tế. Nhân dân cả 2 miền Nam - Bắc Việt Nam còn phải đi tiếp chặng đường dài 21 năm với nhiều sự hy sinh mất mát đau thương hơn để đạt tới điều lẽ ra đã diễn ra tháng 7/1956.
Trên bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ, Việt Nam ở thế bất lợi. Việt Nam đến hội nghị với tư thế của người chiến thắng trên chiến trường, nhưng lại không có vị thế cao về ngoại giao trên bàn hội nghị. Trong số 9 thành viên dự hội nghị thì phía Pháp có 6 (Pháp, Mỹ, Anh và 3 chính quyền do Pháp bảo trợ tại Lào, Campuchia và Việt Nam). Việt Nam chỉ có hai bạn đồng minh là Liên Xô và Trung Quốc.
Phát huy giá trị những bài học từ lịch sử
Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Giơ-ne-vơ là bài học về tinh thần độc lập tự chủ. Từ Hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam cũng thu được kinh nghiệm cho mình trong việc nhận định tình hình và nhận biết âm mưu của các nước “lớn”. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, những “nước lớn” luôn có những toan tính chiến lược riêng. Điều cốt yếu là phải phân tích, nhận rõ chiến lược và những mục tiêu của các nước “lớn” để có chiến lược và sách lược đối phó hiệu quả, không mơ hồ và ảo tưởng.
Đó còn là bài học cần kết hợp, phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao với quân sự, tạo cục diện "vừa đánh vừa đàm" để đối phó với kẻ địch mạnh hơn; kiềm chế kẻ thù, tạo dư luận quốc tế, gây áp lực buộc đối phương xuống thang cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Bài học này được vận dụng thành công ở Hội nghị Paris đã mang lại thắng lợi lớn. Trong những ngày đàm phán ở Paris, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói với ông H. Kissinger (được tác giả Larry Berman trích dẫn): “Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi”.
Hướng đến hoà bình, hợp tác và cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, các nước “lớn” vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và chi phối những sự kiện, những mối liên kết, liên minh, những hợp đồng kinh tế lớn nhưng sẽ không dễ áp đặt những toan tính của mình như trong những giai đoạn trước. Điều các nước “nhỏ” luôn cần làm là tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế. Trong hoạt động đối ngoại phải đánh giá chính xác tình hình thế giới, nhất là chiến lược của các nước “lớn”, tìm ra đối sách phù hợp trong từng thời gian, cho từng vấn đề. Am hiểu đối tác - đồng thời cũng là đối tượng - là yêu cầu quan trọng khi hội nhập.
Việt Nam nêu cao phương châm là bạn, là đối tác chủ động và tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bối cảnh toàn cầu hoá đòi hỏi Việt Nam phải chủ động khai thác những thuận lợi từ bên ngoài, hạn chế những tác động tiêu cực và luôn phải kết hợp chặt chẽ, giữ vững chủ quyền từ bên ngoài với đảm bảo ổn định từ bên trong để phát triển. Vị trí địa - chính trị của Việt Nam mang giá trị quan trọng cần được “khai thác” tốt để làm tăng vai trò của Việt Nam trong khu vực.