Sát thực tiễn
Hai vợ chồng chị Trần Thị Nhi, đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH MTV Hanex Huế (Khu Công nghiệp Phú Bài, TX. Hương Thủy) lấy nhau được 7 năm và có 3 con. Được bố mẹ chồng cho một mảnh đất, vợ chồng chị dựng ngôi nhà tạm bằng cột bê tông và phủ bạt chắp nối xung quanh. Mùa mưa thì nhà dột, mùa nắng đành chịu nóng và bụi.
Ngoài làm việc ở công ty, chị Nhi còn tranh thủ chăn nuôi, trồng trọt để kiếm thêm thu nhập. Chồng chị những lúc sức khỏe ổn định cũng xin làm phụ hồ để phụ giúp vợ. Nhưng khó khăn lại chồng chất khó khăn, chồng chị đột ngột lâm bệnh nặng, một mình chị vừa chăm con, chăm chồng, vừa là lao động chính trong gia đình. Có một ngôi nhà kiên cố, khang trang luôn là ước mơ ấp ủ của gia đình chị.
Đầu tháng 5 vừa qua, niềm vui như đã đến khi gia đình chị nhận được thông báo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng từ quỹ “Mái ấm công đoàn”. Khoản tiền chưa đủ để hoàn thiện ngôi nhà, nhưng là tiền đề để người thân trong gia đình chung tay giúp đỡ. Sau hai tháng xây dựng, ngôi nhà mơ ước đã hoàn thành trong niềm hân hoan của mọi người.
Trong Tháng Công nhân năm 2019, 43 Mái ấm công đoàn đã được xây mới và sửa chữa cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 3 căn phòng công vụ cho giáo viên tại Trường tiểu học & THCS Xuân Lộc (Phú Lộc), Trường tiểu học & THCS Hương Nguyên (A Lưới) và Trường THCS bán trú Long Quảng (Nam Đông) được bàn giao, đưa vào sử dụng. Các phòng công vụ đều được LĐLĐ tỉnh vận động sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn thuộc các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Đây là những công trình hiện thực hóa "Điều ước đoàn viên", đưa phúc lợi công đoàn đến với đoàn viên một cách thiết thực nhất.
Chỉ tính riêng Tháng Công nhân (tháng 5), LĐLĐ tỉnh đã vận động các doanh nghiệp tài trợ cơ sở vật chất cho các giáo viên, học sinh tại 5 CĐCS thuộc các trường học chuyên biệt, trường vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn với tổng giá trị trên 3,2 tỷ đồng.
Đổi mới để hiệu quả
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, phương hướng và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới của Công đoàn Việt Nam là nâng cao hiệu quả việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn theo hướng chuyên nghiệp. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm đổi mới hoạt động theo hướng “Giảm hành chính hóa, hướng về cơ sở”.
LĐLĐ tỉnh phấn đấu bám sát các chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, trong đó đặt nền tảng đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định với 2 nhiệm vụ trọng tâm: tránh nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) và xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã vào cuộc rà soát các thỏa ước lao động tập thể nhằm đảm bảo thực hiện đúng luật, tránh tình trạng quá hạn và sao chép luật.
Với những doanh nghiệp có tiềm năng, công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với CĐCS để thương lượng với chủ doanh nghiệp những điều khoản có lợi cho đoàn viên. Quý 3 năm 2019, phấn đấu 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đều có thỏa ước lao động tập thể đúng luật; với những thỏa ước hạng A cần tiếp tục duy trì, những thỏa ước hạng B và C tiếp tục nâng chất lượng.
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết thêm, với chế độ BHXH, cần nắm bắt được tình hình nợ BHXH của doanh nghiệp ngay từ cơ sở, phải làm rõ là trốn đóng hay mất khả năng đóng. LĐLĐ cùng các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát để có sự điều chỉnh hợp lý. Với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, đơn vị sẽ tiến hành củng cố hồ sơ để khởi kiện nếu doanh nghiệp bất hợp tác.
Hướng đến Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các CĐCS tổ chức các hoạt động thiết thực; trước hết là nhìn nhận và khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phúc lợi cho đoàn viên gắn với tuyên truyền về truyền thống của Công đoàn Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, sát thực tiễn, tránh tình trạng hành chính và hình thức hóa.
“Khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Công đoàn Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn, chắc chắn có sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động khác trong cùng một doanh nghiệp. Vì vậy, cán bộ công đoàn phải biết nắm bắt cơ hội, đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, tránh hành chính hóa mà dấn thân về cơ sở, để người lao động giữ vững lòng tin đối với Công đoàn Việt Nam, là nơi bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương chia sẻ.
|