Cách đây chừng 10 năm, tôi có đề xuất với lãnh đạo cơ quan Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) sản xuất một chương trình truyền hình có tên gọi “Trò chuyện với chủ tịch huyện”, dự kiến mỗi tháng một kỳ. Khi đề xuất chương trình này tôi nghĩ rằng, ở huyện có rất nhiều vấn đề mà người đứng đầu chính quyền muốn tương tác với người dân, kể cả những việc tốt và những việc chưa tốt; những kế hoạch chỉ đạo, hành động; những giải pháp để thực hiện các vấn đề quan trọng của địa phương… Thông qua một chương trình truyền hình để tăng sự tương tác giữa người dân và chính quyền. Cụ thể ở đây là những người có vai trò quan trọng trong điều hành địa phương…
Nhưng vì nhiều lý do, chương trình này đã không ra đời.
Sau đó tôi có bàn với người phụ trách Cổng Thông tin điện tử của tỉnh phối hợp mở một chương trình đối thoại, “chạy” trên hai sóng: Đài TRT và Cổng Thông tin điện tử của tỉnh. Đó chính là chương trình Đối thoại của tỉnh (với người dân và doanh nghiệp) mỗi tháng một lần như bây giờ. Chương trình này thường xuyên có lãnh đạo của tỉnh, lãnh đạo các ngành liên quan đến chủ đề cần đối thoại tham gia và đã thu hút một lượng người theo dõi đáng kể.
Có thể nói, đây một hình thức làm cho chính quyền “gần hơn với người dân”. Hơn thế nữa, góp phần tạo ra sự minh bạch thông tin, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân phát huy sự giám sát.
Nêu điều này để nói rằng, Thừa Thiên Huế là một tỉnh áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý rất sớm và nó ngày càng phát huy tác dụng. Có thể nhiều người nhận thức rất rõ điều này, nhưng không phải ai, ở đâu, ngành nào, địa phương nào cũng mong muốn thông tin được minh bạch như nhau. Càng minh bạch thì “độ nhòe” càng ít, tính tường tỏ càng cao. Và không phải ai cũng mong muốn điều này, đặc biệt là những lĩnh vực đưa lại nhiều quyền lợi cho những người có quyền quyết định. Ví dụ như các loại thủ tục giấy tờ, nhà đất, tài nguyên… Đó chính là những lý do không ít địa phương, ngành, đơn vị… trì kéo việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý.
Sau danh hiệu là địa phương nằm trong top đầu ứng dụng công nghệ thông tin (hay còn gọi là chính quyền điện tử) vào năm 2017 thì vào giữa năm 2019, Thừa Thiên Huế tiến thêm một bước nữa khi cho ra đời Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Hiểu một cách khác là công nghệ thông tin tham gia sâu vào công tác quản lý điều hành của chính quyền. Trong buổi lễ ra mắt trung tâm vào ngày 25/7, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đô thị thông minh cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Một khi người dân và doanh nghiệp đã tham gia vào hệ thống thì tính khả thi của chương trình càng cao và tính thực tiễn càng hiệu quả”.
Trước mắt, Trung tâm này triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát đô thị, trong đó có những dịch vụ chúng ta có thể nhận biết hiệu quả tức thì như: tạo điều kiện cho người dân phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị; giám sát môi trường…
Mô hình của Thừa Thiên Huế đã được vinh danh là Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng Viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019.
Ví dụ như giải pháp phản ánh hiện trường đã tạo điều kiện cho người dân “cùng tham gia quản lý đô thị”. Những hành động làm cho đô thị nhếch nhác được người dân ghi nhận và phản ánh. Rất có thể từ sự can thiệp này, cùng với việc xử lý kiên quyền của chính quyền nên những tháng gần đây, đô thị Huế ngày càng trở nên nề nếp. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đậu đỗ xe không đúng nơi qui định, tình trạng đổ rác bừa bãi được hạn chế rất nhiều… Vì vậy, TP. Huế cũng xanh, sạch, đẹp hơn.
Quản lý đô thị chỉ là một mảng trong công tác quản lý. Một khi công nghệ thông tin tham gia sâu thì sự giám sát càng hiệu quả, tính minh bạch càng cao. Đây là một xu hướng không thể cưỡng lại được. Vấn đề là chúng ta đi trước hay đi sau mà thôi.