Cơ hội lớn
Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, EVFTA là hiệp định thương mại có ý nghĩa đặc biệt với ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam, bởi trong hầu hết các FTA mà Việt Nam có trước đây, nông lâm thủy sản luôn được xem là nhóm hàng nhạy cảm và các đối tác đều rất “e dè” khi mở cửa. Trong khi đó, với EU, nông lâm thủy sản Việt Nam gần như được mở cửa toàn bộ.
Cụ thể, các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên cơ bản được xóa bỏ thuế ngay; gạo tấm, sản phẩm từ gạo xóa bỏ thuế trong vòng 3 - 5 năm, gạo xay xát, gạo thơm áp dụng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn/năm. Với thủy sản, thuế suất trung bình hiện tại là 6 - 22%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay, số còn lại cũng được xóa bỏ sau 3 đến 7 năm.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, EU là một trong những thị trường xuất khẩu cá tra quan trọng nhất của Việt Nam nhiều năm qua. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cá tra chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ nhiều loại cá thịt trắng khác nên kim ngạch xuất khẩu có phần giảm sút. Mức thuế xuất khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam vào EU hiện nay là 5,5%, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 300 triệu USD/năm.
Khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế xuất khẩu được đưa về 0% sẽ là yếu tố giúp giá cá tra cạnh tranh hơn, kích thích sức mua của người tiêu dùng EU. Với việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe mà EU đưa ra trong EVFTA, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ tạo dựng lại uy tín, hình ảnh cá tra trong mắt người tiêu dùng. Từ đó, khôi phục lại giá trị xuất khẩu 500 triệu USD/năm trong 2 - 3 năm tới.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam vào EU tăng đều trong vài năm trở lại đây, nhưng cũng mới chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả và chưa phản ánh đúng tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Phúc Nguyên, hai khó khăn với rau củ quả Việt Nam ở thị trường châu Âu thời gian qua chính là thuế nhập khẩu cao (từ 10 - 17% giá trị hàng và phí vận chuyển) và tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, đặc biệt là dư lượng hóa chất trong trái cây. Khi EVFTA được thực thi, hàng rào thuế quan được dở bỏ, rau củ quả Việt Nam sẽ tăng được sức cạnh tranh về giá với các loại rau củ quả nhiệt đới nhập khẩu từ nước khác.
Ông Lê Kỳ Anh, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định, EVFTA là cơ hội rất lớn cho hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Nếu như xuất khẩu 1 đôi giày có giá 100 Euro thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu về 2 Euro từ tiền gia công. Trong khi đó, nông lâm thủy sản hầu hết được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam nên khi xuất khẩu sẽ thu về toàn bộ giá trị.
Ngoài việc tăng kim ngạch xuất khẩu, EVFTA cũng sẽ tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các doanh nghiệp, tập đoàn của châu Âu vào nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, phát triển hoạt động chuyển giao kỹ thuật canh tác, sản xuất, chế biến gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam một cách bền vững.
Biến thách thức thành mục tiêu
Cơ hội cho nông sản Việt Nam vào EU đã được nhiều chuyên gia khẳng định, nhưng EVFTA cũng như bất cứ hiệp định thương mại tự do nào luôn hướng tới mục tiêu cân bằng lợi ích cho cả hai bên, những cam kết về mặt ưu đãi thuế quan luôn đi liền với những yêu cầu, tiêu chuẩn phải đáp ứng.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, thị trường EU có thể xem là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất khắt khe, mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững, an sinh động vật...
Nhiều thị trường thành viên EU thậm chí có thể yêu cầu trong một sản phẩm trái cây không được chứa quá 4 loại hóa chất, kể cả hàm lượng các chất đều dưới ngưỡng cho phép. Trong khi đó, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập; sản lượng nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn cụ thể như VietGAP, GlobalGAP, HACCAP còn khiêm tốn.
“Nếu xuất khẩu rau củ quả tươi vào EU, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước khác do khoảng cách địa lý. Vì vậy, dư địa cho Việt Nam chính là sản phẩm chế biến nhưng đây cũng chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Cả nước hiện có khoảng 150 cơ sở chế biến nông sản, phần lớn trong số đó mới chỉ sơ chế trái cây với công nghệ cũ, chưa tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm”, ông Đặng Phúc Nguyên nêu thực tế.
Chính vì vậy, EVFTA chỉ mới là cánh cửa cho sản phẩm rau củ quả nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung. Còn muốn chinh phục thị trường EU, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nông sản. Giải pháp khả quan nhất chính là xây dựng các vùng nguyên liệu, nông trại được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình sản xuất sạch, an toàn, ổn định cả về chất lượng lẫn số lượng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư vào công nghệ, thiết bị chế biến và chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản Việt trên thị trường; đồng thời, giải quyết bài toán dư thừa nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.
Trong khi đó, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho rằng, cắt giảm thuế quan chỉ là lợi thế mang tính thời điểm. Còn muốn tiếp cận và phát triển thị phần ở châu Âu, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội để có giải pháp đáp ứng.
Với một thị trường rộng lớn, đa dạng và liên tục thay đổi xu hướng tiêu dùng như EU, doanh nghiệp phải tăng cường khả năng nhận diện, kích cầu bằng cách xây dựng thương hiệu, thường xuyên nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao.
Các chuyên gia nhấn mạnh, với EVFTA nói riêng, các FTA thế hệ mới nói chung, doanh nghiệp phải nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn. Đồng thời, danh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng của ngành hàng ở quy mô lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách nhìn nhận đối với những tiêu chuẩn kỹ thuật, không coi đó là rào cản mà là mục tiêu để chinh phục nhằm đạt tới năng lực cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn.