Tìm kiếm tin tức
Đổi mới giáo dục từ những việc nhỏ nhất
Ngày cập nhật 05/09/2019
ng Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế. Ảnh: HỮU PHÚC

Để giáo dục Thừa Thiên Huế xứng danh với vùng đất hiếu học ở giáo dục mũi nhọn và đại trà, tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Tân đã có những chia sẻ với Thừa Thiên Huế cuối tuần về những giải pháp để thổi bùng ngọn lửa khát vọng, đam mê học tập trong học sinh.

Trước tiên, xin chúc mừng ông với cương vị mới là Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế; ông có thể cho biết những thành tích giáo dục nổi bật năm học 2018 - 2019?

Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được quan tâm, chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: kết quả dự thi học sinh giỏi quốc gia có 52 giải và có 1 học sinh đạt huy chương đồng trong Kỳ thi Olympic vật lý châu Á năm 2019. Công tác tổ chức điều hành thi và chất lượng các kỳ thi để lại ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, khách quan, chặt chẽ, tạo niềm tin trong chỉ đạo năm học mới. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đạt trên 90%.

Công tác giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa; giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống được quan tâm. 100% trường học trong tỉnh hưởng ứng đề án “Ngày Chủ nhật xanh”,  xây dựng môi trường trường học xanh - sạch - đẹp. Công tác phòng chống bạo lực học đường; bạo hành trẻ em; công tác đảm bảo an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát kịp thời…

Tuy vậy vẫn còn tình trạng thiếu phòng học và nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Năm học qua, ngành giáo dục tỉnh nhà gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy học. Toàn tỉnh có 287 phòng học xuống cấp, tỷ lệ 4,08%; trong đó, một số huyện tỷ lệ phòng học xuống cấp cao, như Phú Vang 8,3%, Quảng Điền 7,6%, Phú Lộc  4,3 %. Có 382 phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD & ĐT quy định, chiếm tỷ lệ 26%. Có 505 nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 16,8%.

Mặc dù có chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhưng do nguồn vốn hạn chế nên các trường chưa được đầu tư. Các phòng học bộ môn được tận dụng từ các phòng học, chưa đảm bảo về mặt diện tích và công năng sử dụng; chưa có sự đầu tư thích đáng trong việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh trong trường học, nhiều trường mầm non giáo viên phải sử dụng nhà vệ sinh chung với học sinh, công tác xã hội hóa nhà vệ sinh khi triển khó gặp nhiều khó khăn.

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học. Ảnh: HOÀNG HẢI

Có ý kiến cho rằng, thành tích đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vẫn chưa xứng tầm và kết quả thi 2 môn ngoại ngữ, lịch sử đạt thấp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Huế là vùng đất có nhiều thuận lợi đối với việc dạy và học ngoại ngữ và lịch sử. Đánh giá khách quan, chúng tôi vẫn nhận thấy kết quả thi 2 môn này ở tỉnh ta chưa thật xứng tầm và như mong muốn. Đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo ngành và của các trường học. Chúng ta phải nhìn nhận ở nhiều nguyên nhân khác nhau.

Về phía lãnh đạo, dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa có những giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ trong các trường hiện nay. Ngoài chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên, nguyên nhân trực tiếp là ở nhận thức, thái độ của người học. Nhiều học sinh lớp 12 học ngoại ngữ còn đối phó nếu không nằm trong khối thi của mình.

Với môn lịch sử, xu thế chạy theo các môn học tự nhiên, nhiều em không mặn mà các môn xã hội, trong đó có lịch sử. Vì thế, các em thiếu đầu tư, thiếu say mê, thiếu rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Các trường chưa thật sự có những biện pháp nhằm thay đổi nhận thức, lôi cuốn học sinh nhằm nâng cao chất lượng của môn học này. Chúng tôi đặc biệt lưu ý hơn trong chỉ đạo dạy học ở 2 môn học này trong năm học mới.

Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho năm học mới 2019 -2020 là gì, thưa ông ?

Căn cứ các đề án về đổi mới tổng thể chương trình giáo dục phổ thông, ngành giáo dục và đào tạo cùng các địa phương chủ động rà soát chuẩn bị đầy đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để đáp ứng các nhiệm vụ về thay sách giáo dục; phát triển chương trình nhà trường và chương trình môn học. Chủ động làm việc với các trường trong hệ thống trường sư phạm để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên.

Các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo đủ cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; trước mắt đảm bảo đủ phòng học thực hiện thay sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, trong quy hoạch phát triển ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục để xây dựng trường học đạt chuẩn.

Siết chặt kỷ cương nề nếp. Tập trung quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhân viên trường học thật sự là tấm gương cho học sinh noi theo; phải đặt học sinh là trung tâm, thật sự thương yêu học sinh; phải lấy nhân cách của người thầy giáo để giáo dục làm gương cho học sinh. Khắc phục những tình trạng dạy thêm học thêm. Quan tâm học sinh yếu thế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc với quan điểm không bỏ rơi một trẻ em nào.

Đặc biệt, cần quan tâm nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhà trường không chỉ dừng lại ở dạy chữ mà đặc biệt phải coi trọng việc dạy người. Tôi đề nghị ngành giáo dục cần có những đợt tập huấn, hội thảo về công tác chủ nhiệm. Các trường quan tâm hơn đến đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm, mạnh dạn đổi mới các hình thức, nội dung sinh hoạt lớp nhằm góp phần giáo dục nhân cách, rèn luyện đạo đức… cho các em.

Không thả bóng bay, không tổ chức khai giảng trước hay việc “nói không” với bệnh thành tích, liệu đó có phải là thông điệp báo hiệu sự đổi mới của ngành GD&ĐT?

Đổi mới giáo dục cần sự chung tay của toàn xã hội và có thể được bắt đầu từ những hành động, những việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực. Theo tôi, quan trọng nhất là đổi mới tư duy. Việc đổi mới không phải dừng lại ở vài ba phong trào, lời nói suông mà nó phải đi vào chiều sâu trong nhận thức, suy nghĩ dẫn đến hành động của những người làm công tác giáo dục và của các em học sinh. Không thả bong bóng bay, không khai giảng thử… là chủ trương phù hợp và thiết thực, nhằm khắc phục những hình thức không cần thiết. Chúng ta tin tưởng năm học này ngành giáo dục nước nhà sẽ có những đổi mới thiết thực và đem lại hiệu quả cao.

Với tư cách là tân Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, mong muốn lớn nhất của ông là gì?

Vui với những thành tích đạt được và trăn trở trước những tồn tại của giáo dục tỉnh nhà trong năm học qua, mong muốn thiết tha nhất của tôi trong năm học 2019 - 2020 là đừng có học sinh nào phải bỏ học vì điều kiện và hoàn cảnh gia đình; 100% trường học các cấp gắn dạy chữ với dạy người, rèn kỹ năng sống cho các em. Không chạy theo thành tích, phải dạy thật, học thật. Phải làm sao thắp sáng và thổi bùng ngọn lửa khát vọng, đam mê học ở học sinh Thừa Thiên Huế.

Để mong muốn trở thành hiện thực, chúng tôi sẽ tăng cường về cơ sở để kiểm tra, theo dõi, nắm bắt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đối thoại, lắng nghe ý kiến, những đề xuất và tâm tư nguyện vọng của giáo viên và học sinh nhằm có những giải pháp thiết thực. Chúng tôi cố gắng để tất cả các phong trào ở trường học phải đi vào chiều sâu chứ không phải dừng lại ở các báo cáo hình thức nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Tất nhiên, để thực hiện khát vọng đó, rất cần và mong muốn sự quan tâm, sự chung tay để làm nên sức mạnh của các ban ngành, của phụ huynh và của toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.299.230
Truy câp hiện tại 4.088