Coi trọng vấn đề đoàn kết dân tộc
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần nói về Đảng, Bác đã 5 lần nói về sự đoàn kết: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Nói về phong trào cộng sản thế giới, Bác mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình… Điều mong muốn cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…".
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề đoàn kết dân tộc. Trước hết, Người căn dặn phải đoàn kết trong nội bộ Đảng ta. Từ tầm cao của vị lãnh đạo thiên tài của dân tộc, đã tiên liệu hết những vấn đề đặt ra có tính cấp thiết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sau khi đất nước hòa bình thống nhất.
Cần xây dựng và giữ vững sự đoàn kết, nhất trí
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, đi liền với suy thoái về tư tưởng, chính trị. Có nhiều nguyên nhân nhưng vấn đề cơ bản chủ quan là do tổ chức đảng quản lý đảng viên xem nhẹ việc giáo dục tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa thường xuyên tổ chức sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Nhiều cán bộ lãnh đạo chạy theo lối sống thực dụng, hưởng thụ khác xa với đồng bào, đồng chí quanh mình; sa vào chủ nghĩa cá nhân đặc quyền, đặc lợi, độc đoán, chuyên quyền; đứng trên tổ chức, một người làm quan cả họ được nhờ, kéo theo một bè giỏi xu nịnh, cơ hội, lợi ích nhóm. Nhiều đại gia bắt tay với quan chức tạo doanh nghiệp “sân sau”, hoặc được quan chức bảo kê, chống lưng để chia chác, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, vị trí chức quyền để tham nhũng, làm nghèo đất nước, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào Đảng vào chế độ ta.
Đó là nguyên nhân sâu xa của sự mất đoàn kết kéo dài trong nhiều tổ chức của hệ thống chính trị, đẻ ra nạn cục bộ, khép kín, dùng người tin cậy để bưng bít không để bên ngoài dòm ngó. Mất đoàn kết nội bộ không phải mâu thuẫn vì nhiệm vụ mà đa số do mắc nhau về quyền lợi. Một số cán bộ không muốn ngồi vào “ghế” dân vận, đoàn thể mà chỉ muốn vào cơ quan chính quyền ở vị trí có “màu”, do kẻ thực dụng luôn săn đón, chăm sóc những cán bộ có thể “quyết” được lợi cho họ.
Không chỉ phe phái chống đối nhau mà còn tình trạng khá phổ biến đó là “bằng mặt không bằng lòng”, lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, tổ chức phê bình góp ý chỉ là hình thức “đấu tranh, tránh đâu”, vì miếng cơm, manh áo mà “mũ ni che tai”.
Bác Hồ đã từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Một quyết định đau xót nhưng Bác vẫn kiên quyết bác đơn giảm án tử hình của Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng quân nhu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược về tội tham nhũng, hủ hóa và công khai để cho đồng bào, bộ đội tin tưởng để hăng hái đánh giặc lập công.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã liên tục xem xét xử lý nhiều đại án tham nhũng, đã đưa ra pháp luật từ đầu nhiệm kỳ (khóa XII) đến nay hơn 70 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đó là quyết định đau xót nhưng thể hiện tính nghiêm minh kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước “không có vùng cấm”. Đã tạo được niềm tin của đồng bào và chiến sĩ vào Đảng trong công cuộc chống giặc “nội xâm”.
Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ trước lúc đi xa, hơn bao giờ hết, trong tình hình hiện nay cần xây dựng và giữ vững sự đoàn kết, nhất trí mà trước tiên trong nội bộ của Đảng cầm quyền. Độ lùi thời gian đã 50 năm, nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta nguyện thực hiện tốt điều mong muốn của Người.