Tìm kiếm tin tức
Áng văn phản ánh tâm hồn, đạo đức trong sáng của một con người vĩ đại
Ngày cập nhật 03/10/2019
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những tinh hoa trí tuệ, đạo đức và tâm hồn của một con người vĩ đại. Tinh thần lạc quan, tình cảm yêu thương tràn đầy và đức khiêm cung của một nhân cách lớn hiện rõ trong Di chúc đã làm lay động sâu xa tình cảm của Nhân dân.

Ung dung, tự tại, lạc quan 

Phong cách ung ung, bình tĩnh, lạc quan pha chút hóm hỉnh là nét đặc sắc rất dễ nhận ra đã để lại ấn tượng với bất cứ ai đã tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta đã gặp tinh thần này trong tập “Nhật ký trong tù” và nhiều tác phẩm khác của Người. Đến Di chúc ta lại thấy nụ cười lạc quan toả sáng.

Ngày 15/5/1965, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời tiên tri, cũng là lời khẳng định kiên quyết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”; “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Và Người tin tưởng: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Trong lần sửa lại cuối cùng, ngày 10/5/1969, Người lại viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Những dự đoán của Người về thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã được lịch sử xác nhận hoàn toàn chính xác. Cái nhìn lạc quan và những tiên đoán chính xác đó phản ánh trí tuệ và kinh nghiệm của một nhà cách mạng lão thành luôn tin tưởng xu thế chiến thắng của chính nghĩa dân tộc và hòa bình trước chiến tranh phi nghĩa bạo tàn.

Đọc Di chúc chúng ta còn thấy hiện rõ tinh thần lạc quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tuổi tác và cái chết. Người viết Di chúc như viết về một sự bắt đầu của cuộc hành trình mới - khi Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.Với tinh thần ấy, Người nhẹ bước ra đi mà không muốn gây bất cứ một sự phiền toái nào. Không phải ai cũng dễ chấp nhận cái vòng “Sinh - lão - bệnh - tử” như một sự thường biến của quy luật tự nhiên. Chỉ những người thấu hiểu được quy luật của trời đất, quy luật của con người và phải có một tâm hồn thanh thản vì những gì mình đã sống mới có thể ung dung tự tại mà sống và chết hợp với tự nhiên, với đất trời và với xã hội.

Sự khiêm nhường của một nhân cách lớn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tận tụy phục vụ Nhân dân. Người khẳng định: “Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của Nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính” và nhấn mạnh phải “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Trong Di chúc, hơn 10 lần Người nhắc tới từ “phục vụ”. Người không hề coi mình là người có vị trí cao hơn người khác và căn dặn “mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân”.

Dù có những đóng góp to lớn cho dân tộc, cho Nhân dân nhưng suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ khiêm nhường và mãn nguyện tự nhận mình là người “công bộc”, là người “đày tớ”, là người “phục vụ” Nhân dân mà không đòi hỏi cho mình một sự ưu đãi nhỏ nào. Người viết về việc bắt đầu hành trình chuyển trạng thái nhẹ nhàng với tâm thế thanh thản của một người đã hoàn thành công việc của mình - bởi vì “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Di chúc là văn kiện lớn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là văn kiện được Người viết trong thời gian dài nhất - tròn 4 năm từ khi khởi thảo ngày 10/5/1965 đến khi hoàn thiện lần cuối ngày 10/5/1969 - nhiều câu chữ được xóa đi viết lại, bổ sung nhiều đoạn. Mỗi câu mỗi chữ đều được cân nhắc chắt lọc, cô đọng đến mức không thay thế được, vừa trang trọng, vừa gần gũi. Dù đây là văn kiện quan trọng “tuyệt đối bí mật” Người cũng không gọi là Di chúc - theo nghĩa thông thường là một văn bản có tính pháp lý cần thi hành đúng sau khi người viết qua đời - mà chỉ nhẹ nhàng gọi là “để lại mấy lời”, “chỉ nói tóm tắt vài việc”. Di chúc chứa đựng “muôn vàn tình thương yêu” Người để lại cho hậu thế. Người viết những dòng cuối cùng như một lời “tạ lỗi” thiết tha và cảm động vì sự “lỗi hẹn” của mình đã không dự được ngày vui chiến thắng để “chúc mừng” và “thăm hỏi” chiến sĩ, Nhân dân, rồi “đi thăm và cảm ơn” bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Sự ung dung, thanh thản trước tuổi già và cái chết, đức khiêm nhường, tình thương yêu Nhân dân bao la, đó là những phẩm chất chỉ thấy ở những vĩ nhân kiệt xuất trong lịch sử loài người. Trong Di chúc không có từ “chết”, như cánh hạc giữa trời, Người ung dung đi về cõi bất tử.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.296.341
Truy câp hiện tại 2.799