Tìm kiếm tin tức
Hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn đòng trổ
Ngày cập nhật 17/03/2020

Thời điểm vào đầu tháng 4 năm 2020 cây lúa sẽ trổ đại trà và đây là giai đoạn góp phần không nhỏ quyết định năng suất, sản lượng của cây trồng, do vậy, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà thông báo, hướng dẫn bà con nhân dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn đòng trổ.

Vụ Đông xuân 2019- 2020, toàn thị xã gieo cấy 3.119ha lúa, trong đó sạ 3.032ha, cấy 87ha. Cơ cấu giống lúa chủ yếu Khang dân khoảng 1.500ha, HT1: 785ha, 4B: 135ha, KH1: 205ha; Nếp địa phương: 150ha, Xi23: 60ha, còn lại là các giống lúa khác như BT7, VTNA2, Hà Phát 3, HN6,...

Từ đầu vụ đến nay chịu ảnh hưởng 3- 4 đợt không khí lạnh nhẹ: 27- 31/01, 6- 21/02, 05- 07/3, 14- 15/3, nhìn chung thời tiết thuận lợi, nắng ấm, nên lúa phát triển nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng khoảng 5- 7 ngày. Diện tích lúa 1 vụ, không chủ động nước đang trổ gần 60ha; một số diện tích lúa gieo sớm trước thời vụ trổ sẽ trổ vào cuối tháng 3.

Về sâu bệnh, bệnh đạo ôn lá xuất hiện và gây hại cục bộ một số diện tích bón nặng đạm, giống nhiễm như Xi23, Nếp, Khang dân... ở Hương Phong, Hương Toàn...vào cuối tháng 2. Bướm sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa từ ngày 10/3, rải rác có sâu tuổi 3- 4, mật độ nơi 2- 5 con/m2. Bệnh Khô vằn phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt là các chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm. Chuột gây hại mạnh trở lại giai đoạn lúa làm đòng, đặc biệt các vùng đất cao, gần đê đập, cồn mồ,… Rầy nâu bắt đầu nở và gây hại rãi rác trên nếp địa phương, Xi23, HT1, Khang dân ở Hương Phong, Hải Dương,...

Thời gian tới thời tiết còn diễn biến phức tạp, cây lúa sẽ trổ đại trà vào đầu tháng 4. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đề nghị UBND các phường, xã, các HTXNN thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và thực hiện một số biện pháp sau:

1/ Bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt sẽ phát sinh và gây hại nặng giai đoạn lúa trổ- chín, cần theo dõi thời gian lúa trổ để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa chạy vè thưa (trổ 3- 5%) trên tất cả các giống bằng các loại thuốc như Beam 75WP, Vibimzol 75WP, Bemsuper 500SC, Flash 75WP,...  kết hợp phun phòng bệnh lem lép hạt bằng TiltSuper 300EC, Vivil 5SC, Sagograin 300EC, AmistarTop 325SC, Mixperfect 525SC,… Phun lại lần 2 khi lúa vừa trổ xong (sau lần 1 khoảng 7- 10 ngày).

2/ Sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở kéo dài từ 17- 25/3 sẽ gây hại lá đòng, cần kiểm tra kỹ từng cánh đồng, trà lúa và thời gian sâu nở để phun trừ khi sâu non cuối tuổi 1, đầu tuổi 2, mật độ từ 20con/m2 trở lên bằng các loại thuốc như Dylan 2EC, Virtako 40WG, Radiant 60SC, Verismo 240SC, Comda gold 5WG,…

3/ Rầy nâu sẽ tiếp tục nở và gia tăng mật độ vào giai đoạn lúa trổ đến chín sáp. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là các giống nhiễm để phun trừ kịp thời nơi có mật độ cao (trên 1.500con/m2) bằng các loại thuốc: Chess 50WG, Cheestar 50WG, Startcheck 755WP, Sagometro 50WG,… Sau phun 3- 5 ngày kiểm tra lại, nếu rầy tiếp tục nở, mật độ còn cao cần phun lại lần 2 bằng các loại thuốc: Applaud-Bass 27WP, Bassa 50EC, Vibasa 50EC …

4/ Bệnh khô vằn: Kiểm tra và phun trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin như Validacin 5L, Vali 5SL, Vivadamy 5WP,... hoặc thuốc Nevo 330EC, Mixperfect 525SC,… phun kỹ vào ổ bệnh và các dãy lúa gần bờ kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ.

5/ Chuột sẽ tiếp tục cắn phá gây hại mạnh trở lại giai đoạn lúa đòng- trổ, cần tăng cường đánh bắt bằng các biện pháp như bẫy kẹp; kết hợp đặt mồi bã quanh bờ ruộng, đê đập bằng thuốc hóa học như Racumin TP 0.75. Không nên sử dụng điện để đánh bắt chuột.          

Ngoài ra, các vùng lúa trước đây thường bị bệnh héo khô cây lúa ở Hương An, Hương Xuân, Hương Văn,... nên theo dõi để phun phòng trừ nấm và vi khuẩn bằng Totan 200WP+ Nevo 330EC hoặc Xantocin 40WP + Nevo 330EC.

* Chú ý: Phun đủ lượng thuốc và nước ghi trên nhãn bao bì. Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát (tránh lúc lúa phơi mao). Khi phun thuốc trừ rầy trong ruộng phải có nước. Những ruộng mật độ rầy cao, thường hay gây hại nặng cần giữ nước trong ruộng đến lúc gần thu hoạch hoặc mật độ rầy đã giảm mới tháo cạn nước để chuẩn bị thu hoạch. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Acetamiprid như Actatoc, Asimo super, Penalty, Chesone, Calira, Sachray, Azorin,… để phun trừ rầy giai đoạn lúa trổ trở về sau.

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.290.869
Truy câp hiện tại 918