Tại hội thảo kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước được tổ chức mới đây, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, thành quả cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiến tạo, di sản tư tưởng mà Người để lại tiếp tục mang giá trị dẫn đường cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới.
Việc ôn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác là nguồn động lực to lớn, sức mạnh tinh thần để nhân dân ta tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục kiên trì thực hiện học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, để tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong đời sống nhân dân.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo vĩ đại tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.
Với sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn vượt thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh “tìm đường” khi nhận ra ánh sáng rọi chiếu từ Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin đối với con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa. Người đã tìm ra chân lý thời đại và đi đến một sự lựa chọn lịch sử cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Hoàn thành sứ mệnh tìm đường, Người bắt đầu hành trình thực hiện khát vọng mở đường giải phóng dân tộc. Lộ trình “từ Paris đến Mạc Tư Khoa, từ Mạc Tư Khoa đến Quảng Châu và từ Quảng Châu đến Đông Dương” đã được Người vạch ra từ sớm để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Người nói: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, việc Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn và huấn luyện những thanh niên Việt Nam yêu nước đi theo và hiện thực hoá lý tưởng cách mạng, chính là sự chuẩn bị của Người với những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ, để sau đó Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng cách mạng chân chính, thực hiện sứ mệnh dẫn đường, lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bằng những nghiên cứu của mình, PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, khát vọng của Hồ Chí Minh là khát vọng giải phóng và phát triển. Trong đó, khát vọng giải phóng chứa đựng cả vấn đề tìm đường, mở đường, dẫn đường.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, giai đoạn “tìm đường” chính là lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước, năm 1911 đến 1920, khi tìm thấy Chủ nghĩa Mác Lênin, Bác đã khẳng định đây chính là “con đường giải phóng chúng ta, con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản”.
Giai đoạn “mở đường” là từ khi Bác về Trung Quốc, sau đó về Thái Lan để đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước để chuẩn bị các yếu tố về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Đến năm 1930, khi Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kết thúc giai đoạn mở đường.
Từ 1930-1945 là giai đoạn Bác cùng với Đảng ta "dẫn đường". Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam để tiến lên thực hiện thành công Cuộc cách mạng tháng Tám 1945. Từ 1945 trở đi đến 1969, là thời kỳ thiết kế tương lai.
Trong hành trình 30 năm qua Pháp, Liên Xô, rồi Trung Quốc… trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người hoạt động không ngừng nghỉ, vượt lên khó khăn, chấp nhận mọi hi sinh, gian nguy trong hành trình cứu nước, quyết tâm thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nếu không có một nghị lực phi thường, một niềm tin mãnh liệt, Người đã không thể chiến thắng ngoại cảnh, vượt lên và làm chủ ngoại cảnh - GS.TS Hoàng Chí Bảo, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh và cho rằng, cuộc ra đi 30 năm đó thể hiện rất nhiều điểm độc đáo ở Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này.
“Tôi cảm nhận thấy một điều Nguyễn Tất Thành là ra đi tìm đường cứu nước, còn Nguyễn Ái Quốc là chọn con đường cách mạng và đến Hồ Chí Minh là sự nhận chân giá trị của con đường ấy để trở thành người mở đường, khai phá sự nghiệp và người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, việc chúng ta tiếp tục kiên định với đường lối đổi mới, khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hoá, tinh thần sáng tạo, sức mạnh con người Việt Nam để lập nên những kỳ tích phát triển mới trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là chúng ta đã và đang thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc Việt Nam./.