Vụ Hè Thu 2021, toàn thị xã gieo cấy khoảng 1.690ha lúa, đến nay đã trổ 10ha (Hương Toàn), dự kiến trổ đại trà từ ngày 20- 25/7. Qua điều tra theo dõi trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu giai đoạn tuổi 5- trưởng thành, mật độ phổ biến 3- 5 con/m2, nơi cao 10- 15 con/m2. Rầy nâu đang gây hại rải rác trên giống HT1, mật độ phổ biến còn thấp dưới 750 con/m2, rầy tuổi 2,3 và trưởng thành. Nhện gié gây hại trên bẹ lá và gân lá, tỷ lệ nơi cao 5-7%. Bệnh khô vằn cục bộ các ruộng xanh tốt, gieo cấy dày. Chuột tiếp tục gây hại cắn phá đòng, phổ biến 3- 5%, nơi cao 10- 20% dãnh bị hại. Ngoài ra, bọ phấn, bệnh thối thân thối bẹ, sâu đục thân,… gây hại cục bộ, mật độ và tỷ lệ hại thấp.
Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, trong tháng 7/2021 xảy ra 2- 3 đợt nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, lượng mưa thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm cùng kỳ, có khả năng ảnh hưởng đến quá trình trổ bông- phơi mao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh trên tiếp tục phát sinh phát triển gia tăng mật độ và tỷ lệ hại nếu không tích cực chỉ đạo phòng trừ kịp thời.
Để chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa từ nay đến cuối vụ Hè Thu 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại chính như sau:
- Sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở từ ngày 17- 25/7/2021 và sẽ gây hại lá đòng, cần theo dõi thời gian sâu nở và cho phun trừ những nơi mật độ cao trên 20 con/m2 bằng các loại thuốc như Dylan 2EC, Virtako 300SC, Comda gold 5WG, Verismo 240SC, Voliam targo 063SC, Ohayo 100SC,… khi sâu cuối tuổi 1- tuổi 2. Chú ý các ruộng lúa xanh tốt, bón thừa phân đạm sâu sẽ gây hại mạnh.
- Rầy nâu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại và có nhiều lứa gối nhau, kiểm tra để phun trừ những ruộng có mật độ cao trên 1.500 con/m2 bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Cheestar 500WG, Oscare 50WG, Sagometro 50WG, Nitensuper 500WP, … Khi phun thuốc ruộng phải có nước và giữ nước trong ruộng đến lúc gần thu hoạch, sau phun phải kiểm tra lại nếu rầy tiếp tục nở, mật độ còn cao thì phun lại lần 2 bằng các loại thuốc như Bassa 50EC, Vibasa 50EC, Nibas 50ND, … Chú ý: không phun các loại thuốc có hoạt chất Acetamiprid như Actatoc 150, 200EC, Asimo super 50WP, Penalty 40WP,…giai đoạn lúa trổ- chín.
- Nhện gié sẽ tiếp tục gây hại trên diện rộng giai đoạn lúa trổ- chín, nhất là trên các chân ruộng có tầng đất canh tác mỏng, gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. Kiểm tra để phun trừ khi thấy vết nhện gây hại trên bẹ lá, gân lá bằng các loại thuốc như: Nissorun 5EC, Nilmite 550SC, Kumulus 80WG, Comite 73EC, … kết hợp giữ nước trong ruộng.
- Bệnh khô vằn sẽ tiếp tục gây hại trên diện rộng, đặc biệt gây hại nặng các chân ruộng gieo sạ dày, thấp trũng, bón thừa đạm. Kiểm tra và phun trừ kịp thời khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc như Validacin 5L, Valivithaco 5SC, Vivadamy 5WP, Nevo 330EC… kết hợp vệ sinh cỏ bờ ruộng sạch sẽ, hạn chế nấm bệnh lây lan.
- Bệnh lem lép hạt sẽ phát sinh và gây hại nặng giai đoạn lúa trổ- chín, cần theo dõi và phun phòng trừ nấm bệnh khi lúa bắt đầu trổ 3- 5% và phun lại lần 2 khi lúa trổ xong bằng các loại thuốc như Titlsuper 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC, Sagograin 300EC, Nativo 750WG,... Ngoài ra, cần quản lý và phòng trừ tốt nhện gié, rầy nâu, bệnh khô vằn,… để hạn chế gây lép hạt.
Ngoài ra, cần kiểm tra, theo dõi các đối tượng sinh vật hại khác như chuột, bọ phấn, bệnh thối thân thối bẹ, bệnh héo khô cây lúa giai đoạn “cúi xanh”, sâu đục thân,... để chỉ đạo phòng trừ kịp thời trên diện hẹp.
Lưu ý: Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát (tránh lúc lúa phơi mao), nếu phun xong gặp mưa phải phun lại; phun đủ lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích và đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”.