Đến dự và chủ trì có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án 06, Ban chỉ đạo chuyển đổi số; đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý công dân, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta trong 02 năm qua là Đề án 06” tại Hội nghị Sơ kết 02 năm Đề án 06 toàn quốc.
Cùng với đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, trong năm 2023 Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về Chuyển đổi số với trọng tâm bám sát các chỉ tiêu trong Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh. Năm 2023, điểm tự chấm của tỉnh ước đạt 774.45 điểm, tăng 76,9 điểm so với năm 2022 (697.55 điểm), trong đó có 22 tiêu chí thành phần tăng và 01 tiêu chí thành phần giảm. Các chỉ số thành phần bền vững (đạt điểm tối đa) đều rơi vào các hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; công tác tham mưu của Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông; công tác đưa tin kịp thời của Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan báo chí; Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, quyết định về nhân lực kịp thời của UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, “điểm nghẽn”, như: Kết quả đánh giá về Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn thấp; Một số mô hình Đề án 06 chỉ mới triển khai được một phần; Tỷ lệ công dân được cấp chữ ký số công cộng chưa đạt được kỳ vọng, chưa hoàn thành việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử đối với số công dân đã thu nhận hồ sơ; Một bộ phận người dân khó khăn, hạn chế trong sử dụng phương tiện số, các tiện ích trên môi trường số nên vẫn còn tâm lý, thói quen đến tại Trung tâm hành chính công các cấp để làm thủ tục dù đã được cung cấp, giải quyết toàn trình trên các Cổng dịch vụ công; Một số chỉ tiêu trong Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng Chuyển đổi số cấp tỉnh còn thấp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, công tác chuyển đổi số, Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả được Chính phủ, Bộ, ngành đánh giá cao. Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy để nâng cao kết quả, hiệu quả trong chuyển đổi số, trọng tâm là Đề án 06. Bám sát các chỉ đạo, các hành lang pháp lý, tiếp tục triển khai, chuyển các mô hình về các địa phương, tập trung đánh giá và đưa vào áp dụng.
Về cách thức tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo các cấp nên kiện toàn lại thành một Ban chỉ đạo; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ.
Về các điều kiện, quy trình, thủ tục, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị 2 cơ quan thường trực là Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh cần cụ thể hóa để thực hiện như: Ban hành Bộ chỉ số DTI cấp địa phương; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể các mô hình của Đề án 06. Các đơn vị thường trực cần có báo cáo rà soát thường xuyên theo phụ lục từng cơ quan đơn vị để đánh giá hàng tháng, giải quyết vướng mắc khó khăn.
Ban Chỉ đạo tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ, Bộ, Ban, ngành tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thường xuyên kiến nghị, đưa ra giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện.
Thảo luận tại hội nghị
Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh cần lập từng chuyên đề cụ thể về nâng cao hiệu quả công tác, hoạt động trung tâm dịch vụ công. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình giải quyết các thủ tục đất đai. Chính quyền địa phương, cơ sở cần vào cuộc trong hoạt động nâng cao Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là phải làm tốt hơn, tiếp tục duy trì nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Để hoàn thành những mục tiêu, yêu cầu nêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm và hiệu quả cao hơn nữa của các sở, ngành, chính quyền các địa phương; góp phần tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Dịp này, UBND tinh đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Một số hình ảnh tại hội nghị: