Tìm kiếm tin tức
Họp không giấy tờ
Ngày cập nhật 15/07/2019

Từ 1/8 tới đây, các phiên họp của HĐND, UBND tỉnh sẽ thực hiện các cuộc họp không giấy tờ... là khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh diễn ra ngày 9/7 vừa qua. Đây là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.

Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao tính cạnh tranh, năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; trong đó  ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công...

Thời gian qua, các cơ quan Nhà nước, địa phương đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp, người dân như: hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, kê khai nộp thuế… Ở tầm cao hơn, ngày  24/6 vừa qua, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) chính thức được khai trương, giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử hiện đại, minh bạch, giảm thời gian và tăng hiệu quả trong xử lý công việc. Chỉ cần nhìn vào con số đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp và sử dụng 100% văn bản điện tử khi áp dụng Hệ thống e-Cabinet cũng đã thấy rõ hiệu quả khi thực hiện chính phủ điện tử.

Tại Thừa Thiên Huế, hệ thống thông tin một cửa từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố được đưa vào vận hành, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của công chức; đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; theo dõi và kiểm tra được quá trình giải quyết thủ tục hồ sơ. Tuy chưa chính thức công bố thực hiện các cuộc họp không giấy tờ, nhưng thời gian qua các báo cáo, dự thảo nghị quyết, giấy mời họp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng đã được gửi trước cho các đơn vị, đại biểu qua môi trường mạng. Điều này không chỉ nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiện chi phí mà các đại biểu còn chủ động thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến đóng góp chất lượng, hiệu quả hơn.

Ngay như cơ quan tôi, từ năm 2017, khi đưa vào sử dụng hệ thống tòa soạn điện tử, phóng viên không cần nộp bản thảo giấy và có thể gửi bài về từ bất cứ nơi đâu. Các công đoạn biên tập, duyệt bài, chế bản cũng thực hiện hệ thống, tiết kiệm được chi phí văn phòng. Lãnh đạo cơ quan có thể điều hành công việc dù ở bất cứ đâu, thời gian nào. Không những thuận tiện, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận, việc áp dụng tòa soạn điện tử còn giúp giảm khối lượng công việc, tạo điều kiện tinh giản 1/3 bộ máy ở bộ phận tòa soạn.

Tất nhiên, khi áp dụng quy trình, phương thức làm việc mới ban đầu không tránh khỏi lúng túng, tâm lý “ngại” thay đổi, nhất là với những người trình độ công nghệ hạn chế, thiếu tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ. Khi vượt qua những rào cản ban đầu đó, đến nay tất cả các bộ phận, cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ qua đều “mê” hệ thống tòa soạn điện tử.

Nhìn từ cơ quan tôi có thể suy rộng, việc triển khai chính quyền điện tử vừa là xu thế, vừa là yêu cầu trong thời đại công nghiệp 4.0. Vấn đề cần quan tâm là việc nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Chỉ khi “đầu tàu” chuyển động thì mới có thể đẩy cả đoàn tàu chuyển bánh. Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa hệ thống, quy trình từ trung ương đến địa phương để tạo sự liên thông, thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành và khai thác, sử dụng các tài liệu, văn bản.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.309.193
Truy câp hiện tại 2.961