Tìm kiếm tin tức
Bẫy dính sinh học bảo vệ hành lá
Ngày cập nhật 22/07/2019
Bẫy dính được đặt trên cánh đồng hành để diệt sâu bệnh gây hại

Nhiều địa phương canh tác rau củ đang có cơ hội được bảo vệ mùa màng tối đa nhờ bẫy dính tẩm pheromone.

Hành lá là loại cây trồng cho giá trị kinh tế khá, được trồng nhiều tại các phường Hương An, Hương Xuân, Hương Chữ… (TX. Hương Trà). Tuy nhiên, loại cây này lại dễ bị sâu bệnh, trong đó sâu xanh da láng và ruồi vàng là đối tượng gây nguy hại lớn.

Ông Phan Khân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TX. Hương Trà cho biết: “Sâu xanh da láng và ruồi vàng đều có đặc điểm giống nhau, đó là sâu con và ấu trùng đều trú ngụ trong ống lá. Dù sử dụng thuốc hóa học, chúng vẫn có thể chống chịu được, đó là chưa kể đối tượng kháng thuốc”.

Trung tâm DVNN đặt hàng bẫy dính được gia công từ Trường đại học Nông lâm Huế. Ban đầu, loại bẫy dính chỉ dẫn dụ được ruồi vàng. Qua thực tiễn, bẫy dính được bổ sung thêm pheromone, có tác dụng diệt ruồi vàng và bướm sinh ra sâu da xanh láng.

Hiệu lực của bẫy dính kéo dài 60 ngày. Trong thời gian này, bẫy dính có sức chống chịu với thời tiết khá tốt. Vì thế, sau một lứa hành lá (thường kéo dài 45 ngày), người dân có thể tận dụng bẫy thêm được 15 ngày, từ đó giảm đáng kể chi phí.

Với 2 ha hành lá thử nghiệm tại phường Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân, bẫy dính đã phát huy công dụng. Bà Nguyễn Thị Nhi, ngụ tại phường Hương An, người có 4 năm kinh nghiệm trồng hành mừng rỡ: “Có bẫy dính nên chúng tôi đỡ lo hơn. Giờ chỉ cần kết hợp việc vợt sâu và bẫy, phun thuốc đúng kỳ là có thể yên tâm”.

Bẫy dính sinh học dùng để dẫn dụ, bẫy các loại côn trùng có cánh bằng pheromone (chất dẫn dụ giới tính có mùi thơm đặc trưng) và keo dính. Lợi ích của bẫy là loại pheromone chỉ tác dụng lên đối tượng đã được chọn sẵn, vì thế không gây ảnh hưởng đến các loài thiên địch và môi trường. Bẫy dính sinh học có màu vàng, thu hút đối tượng ruồi vàng và loài bướm sinh ra sâu xanh da láng. Với kích thước 25x40cm, bán kính khuếch tán pheromone hơn 10m, trung bình mỗi sào hành lá sử dụng từ 15-20 tấm bẫy là phù hợp.

Không chỉ dính bướm, ruồi vàng, mật độ côn trùng mắc bẫy còn cho thấy đồ thị sinh trưởng của chúng. “Khi quan sát bẫy dính, chúng tôi có thể phán đoán gian đoạn sâu non nở rộ (đây là lúc chúng mới nở, chưa kịp chui vào cọng hành, vì thế sức chống chịu rất kém), từ đó thông báo cho bà con lịch phun thuốc. Chỉ cần bà con đồng loạt dùng loại thuốc phù hợp, cây hành sẽ đạt chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho sức khỏe người tiêu dùng”, ông Khân cho biết.

Được biết, mỗi con bướm cái có thể sinh từ 300 - 400 trứng. Việc kết hợp giữa vợt bắt sâu trưởng thành, bẫy dính và theo dõi đồ thị để xử lý sâu non sẽ bẻ gãy vòng đời của loài côn trùng gây hại này. Để đảm bảo hiệu quả tối đa, cách tốt nhất là bà con áp dụng ba phương pháp tiêu diệt sâu bọ trên toàn bộ diện tích hành lá.

Năm 2019, diện tích hành lá trên địa bàn phường Hương An là 80ha. Trong đó, có 16,5 ha được bà con canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường kỳ vọng: “Nếu có thể áp dụng rộng rãi loại bẫy này, bà con vừa giảm được việc sử dụng thuốc trừ sâu, vừa có hành lá chất lượng, từ đó nâng cao giá trị hành lá Hương An”. Với giá thành rẻ, chỉ hơn 10 nghìn đồng/miếng dán, nhiều hộ dân tại phường đã chủ động mua và sử dụng loại bẫy dính này.

Không chỉ với hành lá, đối tượng ruồi vàng, sâu xanh da láng cũng gây hại trên nhiều loài cây trồng khác nhau. Thời gian tới, Trung tâm DVNN TX. Hương Trà sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và đối tượng cây trồng sử dụng bẫy dính, sát cánh cùng bà con nông dân trong quá trình canh tác.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.315.674
Truy câp hiện tại 5.589