Tìm kiếm tin tức
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở phường Hương Xuân giai đoạn 2015-2020.
Ngày cập nhật 23/03/2020
Thu hoạch cá Trắm trên sông bồ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Hương Xuân lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong những năm qua phường Hương Xuân đã chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác những lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Từ đó, kinh tế nông nghiệp ở  Hương Xuân phát triển khá đa dạng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên đáng kể.

Trong 5 năm qua với điều kiện thời tiết diễn ra hết sức khắc nghiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nắng nóng, mưa lạnh thất thường; giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xẩy ra phức tạp làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất kinh doanh của bà con nông dân. Với diện tích gieo trồng hằng năm trên địa bàn phường 1.105 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa 506 ha, diện tích cây công nghiệp ngắn ngày 391 ha, gồm: cây lạc 169 ha, Cây sắn 165 ha và diện tích còn lại trồng cây ăn quả và rau, củ, quả khác...  Với điều kiện như vậy UBND phường đã tập trung chỉ đạo các HTX.NN đẩy mạnh công tác thâm canh, giữ vững sản lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực, từng bước nhân rộng diện tích sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Phường chỉ đạo đổi mới cơ cấu giống lúa theo hướng sử dụng các giống lúa xác nhận, có năng suất, chất lượng cao và ít nhiễm sâu bệnh; tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hội Nông dân phường tăng cường phối hợp Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hương Trà mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Đồng thời tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ vậy mà hiện nay, trên địa bàn phường đã và đang nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế khá cao đó là:

Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Xuân đã mạnh dạn vận động nông dân chuyển đổi diện tích  trên 20 ha lúa 2 vụ kém hiệu quả ở các xứ đồng Đưng Liễu Thượng, Bụi Tràm, Mồ Bới sang trồng 1 vụ lạc, 1 vụ lúa đã giúp cho bà con có thu nhập gấp 2 lần so với sản xuất 2 vụ lúa. HTXNN Đông xuân đã thực hiện thành công việc sản xuất 4ha lúa hữu cơ tại vùng Cựa Trộ từng bước cung ứng cho thị trường những nông sản sạch, an toàn. Mô hình chuyển đổi 4ha đất ở xứ Tiền Môn, Bến Tẩu ở tổ dân phố Xuân Tháp từ đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng hành lá đã cho thu nhập gấp 5 lần trồng màu, có thu nhập từ 150-200 triệu/ha/năm. Hiện nay bà con đang tiếp tục mở rộng diện tích theo hướng xen canh để hạn chế dịch bệnh. Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ổi ở các tổ dân phố Xuân Tháp, Trung Thôn, Thượng Thôn, Liễu Nam đã cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình này hiện nay đã được bà con nhân rộng với diện tích trên 36ha. Mô hình trang trại trồng ổi hữu kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng của ông Nguyễn Thúc Liệu với diện tích hơn 2 ha đất 5% của phường mới hình thành đầu năm 2020. Trang trại được chia ra nhiều khu trồng như ổi, lạc và rau màu hữu cơ, còn trên đường đi lối lại được trồng nhiều loài hoa đủ màu sắc; đặc biệt với vườn hoa Hướng dương gần 3.000m2 kết hợp với khung cảnh tự tạo đã giúp cho du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, ghi hình lưu niệm phù hợp với sở thích của nhiều người. Bước đầu mô hình đã thu hút nhiều du khách đến tham có lúc cao điểm lên đến 600 khách/ngày. Mô hình Trồng hoa lan và cây cảnh từ CLB phong lan cây cảnh Hương Xuân được Hội Nông dân phường thành lập từ cuối năm 2013. Với 16 thành viên của CLB đã duy trì hoạt động khá hiệu quả Bước đầu CLB chuyên trồng tạo dáng cây cảnh như Mai, sanh, lộc vừng… là chủ yếu đến năm 2017 cây hoa phong lan phát triển mạnh nên CLB đã hướng hội viên phát triển mạnh các dòng phong lan đang được thị trường ưa chuộng. Đến nay hầu hết các thành viên đã trồng hoa phong lan với số lượng lớn. Một số thành viên của CLB đã có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi cá lồng trên sông Bồ năm 2015 có khoản 120 lồng đến nay đã phát triển mạnh lên đến gần 400 lồng. Với sự phát triển đó Hội nông dân phường được sự hỗ trợ kinh phí của Chính quyền địa phương, phối hợp với trung tâm dạy nghề của thị xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, lớp dạy nghề dưới 3 tháng đã giúp cho bà con nông dân nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản. Từ đó việc nuôi trồng của bà con được ổn định, dịch bệnh ít xẩy ra, giá trị thu nhập 1 lồng giao động từ 40 - 60 triệu đồng/năm.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất cây trồng vật nuôi mà nhiều nông dân trong phường có nghề mới, chất lượng lao động của phường từng bước được nâng lên theo hướng chuyên môn hóa. Đó là những kết quả tích cực trong việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi những vùng canh tác lúa khó khăn sang các mô hình canh tác có hiệu quả kinh tế cao hơn của phường. Ở vùng cao, khó khăn về nước tưới chuyển sang canh tác rau màu các loại; vùng đồng trũng khó khăn về tiêu thoát nước vụ mùa chuyển sang nuôi cá, trồng sen, sử dụng linh hoạt đất trồng lúa, chuyển đổi sang trồng cây rau màu ngắn ngày và các mô hình canh tác kết hợp... đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác của phường tăng lên 95 triệu đồng/năm; giá trị lợi nhuận mang lại cao hơn gấp 3-5 lần trồng lúa. Phường đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi gia súc, nuôi thủy sản tập trung với sản lượng lớn và thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. Bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương hiện vẫn còn một số hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ở một số nơi chưa đồng bộ; việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của một số hộ dân còn mang tính tự phát chưa bảo đảm tính ổn định lâu dài.

Thời gian tới, phường tiếp tục duy trì cơ cấu mùa vụ hợp lý, khuyến khích phát triển đa dạng nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, có sức cạnh tranh cao. Chú trọng cải tạo hệ thống thủy lợi phù hợp với mô hình chuyển đổi. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong đô thị. Chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hình thành các tổ hợp tác chuyên ngành tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất giỏi trên lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Hỗ trợ thông tin thị trường giúp bà con nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi liên kết và hỗ trợ của các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương./.

 

Một số hình ảnh của nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn phường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Viết Hồng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.284.335
Truy câp hiện tại 4.301