Tìm kiếm tin tức
Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu
Ngày cập nhật 02/03/2021

Ngày 02  tháng 3  năm 2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bânhnhf Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng  3 năm 2021.

Phạm vi điều chỉnh của Quyết định: Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Không áp dụng đối với các hoạt động có liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu, chất thải nguy hại; các hoạt động có liên quan đến chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ.

Những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu có vị trí không phù hợp với các quy hoạch của tỉnh, địa phương.

2. Thải chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường vào môi trường tiếp nhận.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều kiện hoạt động cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu

1. Điều kiện hoạt động cơ sở kinh doanh phế liệu (không có hoạt động sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu):

a) Vị trí, khu vực lưu giữ phế liệu phải phù hợp với các quy hoạch của tỉnh.

b) Khu vực lưu giữ phế liệu phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt.

- Mặt sàn đảm bảo kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.

- Đối với khu vực lưu giữ theo dạng nhà kho thì phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng về kho chứa theo quy định.

- Đối với khu vực lưu giữ phế liệu ngoài trời phải có biện pháp xử lý nước mưa chảy tràn qua khu vực lưu giữ phế liệu, biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu (đối với loại chất thải có phát sinh bụi) đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

c) Phế liệu đưa về cơ sở tập kết phải được phân loại trước khi lưu giữ.

d) Hợp đồng chuyển giao, sơ chế, tái chế chất thải với đơn vị có chức năng phù hợp.

đ) Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương được cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy xác nhận về phòng cháy chữa cháy; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.

e) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành các công trình bảo vệ môi trường đúng quy trình theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận.

2. Điều kiện hoạt động cơ sở vận chuyển phế liệu (không có hoạt động sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu):

a) Các phương tiện vận chuyển phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

b) Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương được cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Điều kiện hoạt động cơ sở sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu:

a) Vị trí hoạt động cơ sở sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu phải phù hợp với các quy hoạch của tỉnh.

b) Công trình hoặc thiết bị sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu phải có công nghệ, công suất phù hợp với khối lượng phế liệu cần sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu.

c) Phế liệu phải được phân loại trước khi sơ chế, tái chế, xử lý.

d) Các chất thải phát sinh từ quá trình sơ chế, tái chế, xử lý phải được xử lý đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

đ) Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương được cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy xác nhận về phòng cháy chữa cháy; Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

e) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành các công trình bảo vệ môi trường đúng quy trình theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Quy định bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu

1. Phải có kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố cháy nổ, thực hiện chương trình quan trắc giám sát môi trường (nếu có) theo quy định.

2. Trong quá trình hoạt động nếu có phát sinh chất thải nguy hại phải thực hiện việc phân định, phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa và thực hiện chuyển giao cho các đơn vị có chức năng theo quy định.

3. Khi phát hiện chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ và các nguồn phóng xạ lẫn trong phế liệu phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân hoặc cơ quan chức năng nơi gần nhất.

4. Quản lý khí thải, tiếng ồn, độ rung: cơ sở phát sinh khí thải, tiếng ồn, độ rung phải đầu tư, lắp đặt hệ thống giảm thiểu khí thải, tiếng ồn, độ rung bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và các quy định khác có liên quan theo quy định.

5. Quản lý nước thải:

a) Cơ sở có phát sinh nước thải phải có biện pháp xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải.

b) Cơ sở xả nước thải với quy mô từ 5m3/ngày.đêm phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước quy định.

c) Đối với cơ sở có hệ thống xử lý nước thải và lưu lượng nước thải từ 30 m3/ngày.đêm trở lên, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nước thải thì phải có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải được ghi chép đầy đủ, lưu giữ tối thiểu 02 năm theo quy định. Nhật ký vận hành phải được viết bằng tiếng Việt, bao gồm các nội dung: lưu lượng, thông số vận hành hệ thống xử lý nước thải, kết quả quan trắc nước thải đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý nước thải (nếu có), loại và lượng hóa chất sử dụng, lượng bùn thải phát sinh.

d) Kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.

6. Thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường nước thải, khí thải theo quy định.

7. Cơ sở phải tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở. Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, báo cáo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

8. Chủ cơ sở phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở của mình.

9. Khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ thân thiện và an toàn với môi trường nhằm hạn chế các chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu.

Quy định về lập hồ sơ môi trường

1. Cơ sở thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường:

a) Cơ sở kinh doanh phế liệu (không có hoạt động sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu) có bãi tập kết phế liệu có diện tích từ 1,0 ha trở lên; cơ sở hoạt động sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

b) Cấu trúc, nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 ngày 12 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

2. Cơ sở thuộc đối tượng lập Kế hoạch Bảo vệ môi trường:

a) Cơ sở kinh doanh phế liệu (không có hoạt động sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu) có bãi tập kết phế liệu có diện tích nhỏ hơn 1,0 ha thuộc đối tượng lập Kế hoạch Bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền xác nhận theo quy định.

b) Cấu trúc và nội dung Kế hoạch Bảo vệ môi trường; hồ sơ đề nghị xác nhận được quy định tại Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và Mẫu số 02 phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

3. Cơ sở không được triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận Kế hoạch Bảo vệ môi trường.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của cơ sở để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải là các công trình, thiết bị xử lý; báo cáo kết quả thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các văn bản đề nghị điều chỉnh đã được chấp thuận (nếu có) gửi cơ quan phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường để kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

5. Cơ sở kinh doanh sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu vi phạm quy định về lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập Kế hoạch Bảo vệ môi trường thì bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ. Trường hợp dự án, cơ sở phù hợp về quy hoạch và đáp ứng các điều kiện hoạt động kinh doanh, sơ chế, tái chế phế liệu, Chủ cơ sở phải lập thủ tục môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường), phải triển khai thực hiện và hoàn thành các công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường; lập hồ sơ kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

6. Các cơ sở đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các hồ sơ tương đương thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) đã đi vào hoạt động mà chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương thì được thực hiện như sau:

a) Chủ cơ sở phải rà soát lại các công trình xử lý chất thải; trường hợp các công trình xử lý chất thải không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải đó.

b) Bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đối với trường hợp cơ sở hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 và các trường hợp không thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì không xử phạt đối với hành vi không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

c) Sau khi hoàn thành các công trình xử lý chất thải, phải vận hành thử nghiệm và được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Trách nhiệm của các sở, ban ngành tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận đăng ký Kế hoạch Bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền; kiểm tra các công trình xử lý chất thải đã hoàn thành để vận hành thử nghiệm và giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của cơ sở đối với trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

b) Phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường (nếu có) đối với các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu.

c) Phối hợp các sở, ban ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Sở Công thương

a) Cử thành viên tham gia Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án thuộc ngành Công thương, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các công trình xử lý chất thải đã hoàn thành để vận hành thử nghiệm và giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường (nếu có) đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu theo quy định khi có đề nghị phối hợp của các cơ quan chức năng.

b) Phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT)

a) Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo vệ môi trường, quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt đồng thời phê phán các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu.

4. Công an tỉnh

Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi thông tin; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh.

5. Các sở, ban ngành khác, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các Đoàn thể xã hội

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao phối hợp với cơ quan chức năng chuyên môn tổ chức thực hiện, tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy định này.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

1. Tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức rà soát và công bố các cơ sở đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng các điều kiện kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu được quy định tại Điều 5 của Quy định này; bố trí quỹ đất, điều chỉnh bổ sung quy hoạch và chịu trách nhiệm di dời các cơ sở đang hoạt động không đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu (nếu có) theo quy định.

3. Hướng dẫn các chủ cơ sở trình tự thủ tục lập, đăng ký Kế hoạch Bảo vệ môi trường; xem xét, cấp giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch Bảo vệ môi trường theo thẩm quyền quy định.

4. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường và giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

5. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với các cơ sở thuộc đối tượng lập, đăng ký Kế hoạch Bảo vệ môi trường.

6. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND xã, phường, thị trấn giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu trên địa bàn.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp.

2. Giám sát, kiểm tra việc xây dựng phát triển cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu tại địa phương.

3. Kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn việc xây dựng các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu không nằm trong quy hoạch.

Điều 10. Trách nhiệm của chủ nguồn thải phế liệu

Chủ nguồn thải phế liệu chỉ được chuyển giao phế liệu cho chủ cơ kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu đáp ứng các điều kiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu theo quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu

1. Lập hồ sơ môi trường theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

2. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, sơ chế, tái chế, xử lý phế liệu theo quy định tại Điều 6 của Quy định này.

3. Công nghệ của dự án đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch Bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận theo quy định tại Điều 16 và Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý môi trường đảm bảo việc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải.

4. Lập kế hoạch, phương án và chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng phó sự cố môi trường, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường. Trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường, cơ sở có trách nhiệm báo cáo trực tiếp về sự cố môi trường và biện pháp khắc phục về Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý môi trường địa phương và các cơ quan liên quan.

5. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.288.034
Truy câp hiện tại 127