Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 23/05/2017
Trong chuyến thăm Nhà máy sứ Hải Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề tặng mấy chữ "Cố gắng, tiến bộ" trên chiếc lọ hoa, sản phẩm của nhà máy (26-7-1962). Ảnh tư liệu

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng về phong cách làm việc khoa học cho toàn Ðảng, toàn dân ta học tập và noi theo. Nhân dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Người, chúng ta cùng nhau ôn lại những lời Bác dạy để hiểu thêm sự vĩ đại của vị Cha già dân tộc.

Xác định rõ phương hướng, mục đích

Mục đích lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và thực hiện là đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào ta. Ở Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ðược hỏi về mục đích này, Người nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó". Chính vì theo đuổi mục đích lớn lao trên mà Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Phương hướng và mục đích trong từng giai đoạn của cách mạng nước ta thường được thể hiện thành nhiệm vụ mang tính chiến lược và đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thành khẩu hiệu để mọi người dễ nhớ và thực hiện. Trong Cách mạng Tháng Tám, Người nêu khẩu hiệu: "Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!". Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Người nêu khẩu hiệu: "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!". Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nêu khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!". Tuy nhiên, Người cũng yêu cầu khi nêu khẩu hiệu phải thể hiện rõ được mục đích. Chỉ nêu ra vài khẩu hiệu chính, thiết thực và phổ thông.

Có chương trình, kế hoạch rõ ràng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế; đồng thời phải làm cho từng người, từng gia đình, từng đơn vị được bàn bạc kỹ lưỡng và hiểu thấu đáo để họ nắm vững, khi đã hiểu thấu đáo rồi thì họ sẽ tự giác, tự động và vui vẻ thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách làm việc của nhiều người rằng, trong chúng ta thường có khuyết điểm là bỏ nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch thật to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho đúng. Rằng: "Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Ðặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng - người cộng sự gần gũi và công tác nhiều năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình".

Làm việc một cách khoa học

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo huấn cho chúng ta một điều rất quý báu: Cách mạng là một khoa học, thực hành công việc là một khoa học. Lý thuyết và phương pháp khoa học ấy giúp Người đi sát thực tế, nắm đúng thời cơ để có chủ trương đúng và thực hiện thành công chủ trương ấy. Làm việc có khoa học theo Người tập trung ở mấy điểm chính sau đây:

Thứ nhất, làm việc có khoa học đòi hỏi phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình.

Thứ hai, làm việc có khoa học là không nên tham làm nhiều trong một lúc, mà làm xong việc này mới làm sang việc khác, làm đến đâu chắc đến đó, nghĩa là làm từ việc gốc, việc chính, từ việc nhỏ đến việc lớn.

Thứ ba, làm việc có khoa học là làm bất cứ công việc gì cũng cần tránh bệnh chủ quan. Có thể mục đích, chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra rất đúng, nhưng trong quá trình thực hiện do chủ quan nên tiến hành không sát, không đúng, nên kết quả công việc thường hạn chế, hiệu quả thấp, thậm chí thất bại.

Phải siêng năng, cần cù

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Siêng năng là một trong bốn điều của đời sống mới".

Câu chuyện sau đây cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc siêng năng, cần cù. Vào cuối tháng 7-1954, tại An toàn khu (Việt Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô là Rôman Cácmen. Câu chuyện được trao đổi bằng tiếng Nga. Thấy nhà báo tỏ vẻ ngạc nhiên trước cuộc sống giản dị, quá khiêm tốn của mình, Người giải thích: Tôi đã quen với cuộc sống như thế này, những năm tháng đấu tranh cách mạng đã tập cho tôi quen như thế, chỉ sau năm phút tôi sẵn sàng lên đường. Trả lời câu hỏi của Cácmen: Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng trong một ngày? Người nói: Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao. Trong thời gian làm việc gần Chủ tịch, Rôman Cácmen đã thấy không hoàn toàn như vậy. Nhiều đêm, Chủ tịch chống gậy, quần và tay áo xắn cao, đi theo ánh đuốc của đồng chí cận vệ trên con đường hẻm trong rừng. Chủ tịch đến một bản xa nào đó trong núi hoặc đi họp Hội đồng Chính phủ về muộn.

Phải có quyết tâm cao

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Không có cái gì dễ, mà cũng không có cái gì khó". Nghĩa là, bất kỳ công việc gì dù dễ đến đâu cũng phải phấn đấu mới có kết quả, còn khó đến mấy nhưng có quyết tâm cao và có kế hoạch, biện pháp tốt thì nhất định thành công.

Nói về cách làm việc với quyết tâm cao, có thể dẫn ra câu chuyện tự học ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra đi tìm đường cứu nước, trong những năm tháng làm phụ bếp trên những con tàu vượt đại dương, hay đốt lò, quét tuyết vào những mùa đông băng giá ở nước Anh, làm thợ sửa ảnh trong ngõ hẻm ở Thủ đô nước Pháp và trên bước đường hoạt động cách mạng, Người đều phải tranh thủ thời gian để tự học một cách rất gian khổ, trong điều kiện không có thầy dạy, không có phương tiện và thiếu thốn cả về thời gian. Người cần học chữ nào liền viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa xem, đến cuối ngày chữ mờ dần đi cũng là lúc Người nhớ được hết. Ðến đêm, mọi người đi ngủ, còn Người vẫn một mình tranh thủ học. Sau này, khi đã trở thành lãnh tụ tối cao của Ðảng và của dân tộc ta, Người vẫn giữ cách làm việc như vậy trong mọi hoạt động công tác mà Người đảm nhiệm.

Nói đi đôi với làm

Ðạo đức ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức dấn thân, là đạo đức gắn liền với hành động, là làm việc có hiệu quả, ở đâu, làm việc gì lời nói và việc làm cũng hòa đồng làm một. Người đã để lại cho chúng ta tấm gương của một vị lãnh tụ thật sự của dân, vì dân: "Nói đi đôi với làm".

Câu chuyện sau đây cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là làm. Vào năm 1953, trong lịch làm việc, Người quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa xối xả, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa. Giữa lúc trời đang trút nước, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rầm, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ: Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi! Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn đến quá đầu gối, đầu đội nón lá, Người hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, mọi người được biết, giữa lúc Người chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to, các đồng chí cùng làm việc với Người đề nghị cho báo hoãn đến một buổi khác, có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Người. Nhưng Người không đồng ý và nói: Ðã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công.

Biết quý trọng thời giờ

Khi làm việc, đi công tác, đi thăm các cơ quan, đơn vị, hoặc đến nhà anh em cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất điều độ, nói giờ nào đến đúng giờ ấy, nói làm việc hoặc ở thăm bao lâu thì đúng bấy nhiêu thời gian, không bao giờ lề mề, la cà, không việc nọ sọ sang việc kia, mà thường rất khẩn trương, nhanh nhẹn trong mọi công việc và không để bất cứ ai phải đợi mình. Ðó là biểu hiện của tính quý trọng thời giờ và tính kỷ luật, tính tổ chức, của tinh thần tự chủ cao. Thậm chí cho đến lúc phải từ biệt thế giới này, Người không có gì là ân hận, mà chỉ tiếc là không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ vĩ đại, suốt đời quý trọng thì giờ, suốt đời làm việc vì dân, vì nước, lãnh tụ của nhân dân.

PGS, TS LÊ VĂN YÊN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.230.078
Truy câp hiện tại 6.737