Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cán bộ và công tác cán bộ
Ngày cập nhật 23/05/2017
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”1 và thực tiễn lịch sử phát triển xã hội loài người, sự ổn định, phát triển, phồn thịnh của các chế độ chính trị - xã hội đã minh chứng cho điều này. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng

Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta đã xác định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”2. Nghĩa là, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ và cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Vì vậy, trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến đổi mới công tác cán bộ cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, nhìn chung công tác cán bộ đã bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong tất cả các khâu và cơ bản đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tương xứng, ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng chậm được khắc phục. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát triển”3 và dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mặt còn diễn biến phức tạp, trầm trọng hơn.

Những khuyết điểm, vi phạm của một số tổ chức đảng, nhất là đảng viên được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra, đặc biệt là những vi phạm của một số cán bộ, kể cả cán bộ là đảng viên cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thi hành kỷ luật vừa qua đều liên quan đến sai phạm trong các khâu của công tác cán bộ và thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kịp thời kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ thuộc phạm vi quản lý khi có khuyết điểm, vi phạm. Những khuyết điểm, vi phạm trên do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chủ quan cơ bản là các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc các khâu của công tác cán bộ, trong đó có Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ (ban hành theo Quyết định 58-QĐ/TW, ngày 7-5-2007 của Bộ Chính trị khóa X).

Những giải pháp

Để phát huy những ưu điểm và hạn chế, khắc phục khuyết điểm làm cho công tác cán bộ và cán bộ thật sự là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện nghiêm túc và có chất lượng, hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Coi đây là khâu vừa đột phá trong công tác cán bộ, vừa đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để đánh giá đúng công tác cán bộ và cán bộ. Trước mắt, cần sửa đổi, bổ sung Quy chế kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của Bộ Chính trị khóa X nêu trên. Phải coi kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ là cái gút để kiểm soát quyền lực và xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, vì mọi thành bại đều do cán bộ mà ra.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ và căn bản công tác cán bộ, có cơ chế kiểm soát quyền lực, khắc phục và ngăn chặn bằng được sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực, nhất là của một số cán bộ tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ; xử lý và thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả. Đồng thời, cần cụ thể hóa nguyên tắc, quan điểm “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức đảng và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”4 thành các quy định, quy chế để xác định rõ thẩm quyền và chịu trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong công tác cán bộ.

Cần nhận thức thống nhất việc “lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ” là của cấp ủy mà trực tiếp, thường xuyên là của ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy để xác định rõ trách nhiệm. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ trên cơ sở áp dụng đúng đắn và đầy đủ các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tất cả các khâu công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp. Cần thực hiện tốt ba biện pháp: phải báo cáo công việc liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, luân chuyển,... cán bộ; phải kiểm tra trước khi rời khỏi cương vị người đứng đầu trong thực hiện công tác cán bộ; phải truy cứu trách nhiệm nếu có sai phạm trong công tác cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 

(1) Hồ Chí Minh: Sửa đổi lối làm việc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tái bản năm 1999, trang 18.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997, trang 66.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, trang 194 - 195.

(4) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, trang 64.

Hà Hữu Đức
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.229.592
Truy câp hiện tại 6.530