Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chỉ "chế tài mềm" là chưa đủ
Ngày cập nhật 23/05/2017

Một thông tin đang khiến người dân quan tâm chính là việc từ 1-6 tới, theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, sẽ có hơn 1.900 dịch vụ y tế tăng giá đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí ba yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.

Có ba nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, bao gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV). Trong đó, hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại. Tuy vậy, tác động mạnh nhất đến người bệnh là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ sẽ lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao! Như vậy, khoản tiền người khám chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Ðặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn. Ðây là mức tăng có thể khiến nhiều gia đình trở nên khốn cùng nếu có người bệnh trọng mà không có thẻ BHYT.

Vậy nên, cũng có câu hỏi đặt ra, liệu mức tăng này có thỏa đáng trong bối cảnh đời sống người dân và điều kiện khám chữa bệnh còn khó khăn? Thực tế, lộ trình tăng giá này đã có độ "trễ" khá lâu theo Luật BHYT, bởi sau một năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng gần 20% dân số chưa có thẻ BHYT này mới đuổi kịp giá của những người đang khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Ðộ trễ cũng là cần thiết để có được những thay đổi về cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các bệnh viện.

Giá chính là một "chế tài mềm", nhưng cho đến nay, việc sử dụng nó, thực ra, vẫn chưa đủ mạnh mẽ để tạo bước đột biến trong tỷ lệ tham gia BHYT. Muốn nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, chúng ta không nên và không thể chỉ trông chờ vào chế tài trên, mà phải có những giải pháp khác như tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, hỗ trợ cho người dân mua BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế…

Chỉ khi người mua được thuyết phục bằng "việc thật, người thật", rằng đã có sự thay đổi cơ bản trong việc tiếp cận dịch vụ BHYT cũng như bảo đảm công bằng trong KCB giữa BHYT và dịch vụ thì họ mới thôi lần lữa để bỏ đồng tiền vốn khó nhọc kiếm được cho việc bảo hiểm sức khỏe của bản thân.

Phạm Vinh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.229.592
Truy câp hiện tại 6.530