Tìm kiếm tin tức
Làng văn hóa Thanh Lương
Ngày cập nhật 14/04/2014
Chùa làng Thanh Lương mới được trùng tu

 

Theo các sử liệu ghi lại, làng Thanh Lương được hình thành vào khoản từ cuối thế kỷ XIV và đến đầu thế kỷ XV. Đầu tiên Làng được đặt tên là làng Thanh Kệ, cho đến khi chúa Nguyễn về lập phủ chúa ở làng Phước Yên thì được đổi tên là làng Thanh Lương. Làng cách trung tâm Cố Đô Huế khoảng 10 km về phía Bắc, phía Tây giáp làng Văn Xá, phía Nam giáp đường tỉnh lộ 8A, phía Đông, Bắc bao quanh bởi dòng sông Bồ. Làng có diện tích tự nhiên khoản 5km­2, chia thành bốn phe là: Phe 1,2,3,4; địa hình khá bằng phẳng, đất đại phì nhiêu, cây trồng truyền thống chủ yếu là lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày.
 
 
 Đình làng Thanh Lương
           
         
 
 
 
          Theo thần tích các vị khai canh, Lê Thái Giám là vị đầu tiên, ngài giữ một chức quan to lớn dưới đời Lê Thánh Tông. Sau đó, các ngài họ Phan, Trần, Dương, Lê tiếp tục vào lập làng khoảng năm 1438 (theo phả tộc trong các họ hiện nay), tiếp năm sau thì các họ khác vào là Nguyễn, Phạm, Hồ, Huỳnh đều có nhiệm vụ đánh đuổi quân Chiêm. Nguồn gốc dân làng chủ yếu được di cư từ Thanh Hóa vào, hiện nay làng đã có 74 dòng họ, với 900 hộ và hơn 4000 nhân khẩu.
Chợ kệ Thanh Lương
            Với chiều dài hơn 6 thế kỷ tồn tại và phát triển, Làng đã có một bề dày truyền thống lịch sử yêu nước nồng nàn. Nhiều thế hệ con dân của Làng đã nối tiếp nhau trên con đường cứu nước giữ Làng, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hầu hết con dân của Làng đã sớm giác ngộ theo Đảng làm cách mạng. Trong những năm tháng chiến đấu cam go, biết bao con người, làng xóm, bến nước luỹ tre, Thanh Lương  đã phải chịu hy sinh mất mát, đau thương. Biết bao tấm gương hy sinh anh dũng, thà chịu cảnh tù đày “Khảo tra không nói, đào hầm nuôi cán bộ tháng năm trường”. Thanh Lương đã đóng góp một phần quan trọng trong thành tích chung của Hương Xuân, xứng đáng được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
 
   Nhà thờ Đặng Huy Trứ        
 
            Về đời sống tinh thần, nhân dân Thanh Lương vốn có đức tính cần cù và nhẫn nại, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó. Trong sinh hoạt luôn luôn giản dị khiêm tốn, tiết kiệm, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang giúp đỡ lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn, biết hy sinh vì nghĩa lớn, có tinh thần chan hoà bình đẳng trong đời sống cộng đồng. Con dân của làng dù sinh sống nơi đâu cũng luôn luôn hướng về cội nguồn, tha thiết thuỷ chung và có ý thức xây dựng quê hương.
 
Cô đàng Thanh Lương        
 
         Về bản sắc văn hóa, làng có những nét đặc thù, sâu sắc. Đình làng được xây dựng theo một phong cách kiến trúc riêng biệt, "Đình dọc - Chùa ngang" (ngược lại với các ngôi đình và chùa trên đất nước Việt Nam). Đình được kiến tạo vào năm Tân Tỵ 1821, đến nay đã được trùng tu 5 lần. Năm 2009, Đình làng Thanh Lương vừa được một người con ở xa quê thành tâm cúng 600 triệu đồng để đại trùng tu.
Làng đã sớm xây dựng nhà Thánh, là một biểu tượng tôn vinh truyền thông hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân Làng. Hàng năm, để tiếp tục động viên con cháu trong làng chăm lo học tập, bằng sự đóng góp kinh phí tích cực của con nhân trong Làng, kể cả con dân của Làng đang sống và làm việc trên mọi miền của Tổ quốc và nước ngoài, Làng đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng các cháu học sinh đã có thành tích trong học tập, các cháu học sinh nghèo vượt khó vào dịp thu tế của Làng.
 
Làng tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho học sinh giỏi
 
Bên cạnh Đình làng được xây dựng trùng tu khang trang, Ban điều hành của làng đã thống nhất trùng tu, xây dựng mới các kiến thiết văn hóa của Làng. Bằng tinh thần đoàn kết, nhớ tới cội nguồn, con dân của Làng đã đóng góp đến cả tiền tỷ để xây dựng cổng làng vào năm 2005; Trùng tu Cô đàng vào năm 2012; tu sử Miếu thần hoàng Cô đàng, Miếu bốm,, Miếu ngũ hành, Cồn Thần nông.
 
Cổng làng Thanh Lương
 
Trong tấc cả các kiến thiết văn hóa của Làng, Chùa làng Thanh Lương là nơi sinh hoạt của toàn thể con dân trong làng, ai cũng có thể đến chùa cầu nguyện. Nếu ngày xưa, Đình chỉ là nơi dành cho nam giới đến hội họp, thì Chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người. Hình ảnh ngôi Chùa làng đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ con dân, với tiếng chuông chùa mỗi sớm vang lên trong không gian quê yên bình, như nhắc nhở mọi người hãy sống thuận hòa, chăm lo học tập, lao động sản xuất để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
 Chùa làng Thanh Lương còn là nơi gắn liền với danh nhân lịch sử. Thanh Lương là một trong những làng cổ của Huế, là nơi có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to. Chùa làng Thanh Lương được xây theo kiểu chùa cổ của Huế. Từ xa, dân trong làng dễ dàng nhìn thấy chiếc cổng chùa xây theo lối cổ lâu (hai tầng). Đặc biệt, trong Chùa làng Thanh Lương có thờ một danh nhân, đó là ông Đặng Văn Hoà, ông là người làm quan nhưng thấm nhuần đạo Phật, ông đã cúng dường nhiều chuông, tượng Phật cho các chùa ở vùng đất Hương Trà như chùa Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Hoà Viện, Thanh Lương, Hiền Sĩ. Tại chùa làng Thanh Lương, ông Đặng Văn Hoà còn tiến cúng một tấm bia đá, trên tấm bia này khắc ghi lịch sử của làng, các vị khai canh, khai khẩn và tên tuổi những người có công. Tất cả đều còn nguyện vẹn cho đến ngày hôm nay.
 
           Cổng Chùa làng Thanh Lương
 
          Thể theo nguyện vọng của toàn thể con dân trong Làng, sự đồng tâm hiệp lực của những người con xa quê, Chùa làng Thanh Lương đã được khởi công trùng tu từ ngày 18 tháng 9 năm Quý tỵ và hoàn thành vào ngày 14 tháng 12 năm Quý Tỵ, với tổng kinh phí 526.598.000 đồng. Vào ngày 19/4/2014 (ngày 20 tháng 3 năm Giáp Ngọ) và ngày 20/4/2014 (ngày 21 tháng 3 năm Giáo Ngọ), Ban điều hành làng Thanh Lương sẽ tổ chức Đại lễ Khánh thành, Trai đàn chẩn tế, Âm linh cô hồn, Nguyện cầu âm siêu Dương thái.
 
Dòng sông Bồ qua làng Thanh Lương
 
 
 
 
Viết Xuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.938.101
Truy câp hiện tại 2.401