Tìm kiếm tin tức
Giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của phường Hương Xuân.
Ngày cập nhật 20/05/2014

 Trong dòng người di cư từ phương Bắc vào Nam để sinh sôi lập nghiệp trên mãnh đất Thuận Hóa có một cộng đồng dân cư hợp quần lại bên hữu ngạn trung lưu sông Bồ, để dựng lên làng Thanh Kệ (Thanh Lương hiện nay), sau đó dần mở rộng vùng đất và phát triển hình thành các làng như: Xuân Đài, Liểu Thượng, Liểu Nam, Tiên Lộc, Thanh Khê. Trong kháng chiến chống Pháp, Hương Xuân trước đây thuộc xã Hương Thạnh, sau nhiều thời kỳ chuyển giao quản lý hành chính và đổi thành xã Hương Xuân, huyện Hương Trà duy trì cho đến nay. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, Hương Xuân vẫn phát huy truyền thống cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng, theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước tiến lên con đường Chủ nghĩa xã hội.

Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Xuân đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân Hương Xuân đã góp phần cùng với Đảng bộ và nhân dân Hương Trà thực hiện thành công mục tiêu “ Phấn đấu xây dựng huyện Hương Trà trở thành thị xã”. Ngày 15 tháng 11 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về thành lập thị xã Hương Trà và các phường thuộc thị xã Hương Trà, trong đó có phường Hương Xuân, sự kiện này đã mở ra trang sử mới xây dựng và phát triển theo hướng đô thị trong giai đoạn hiện nay.

 

1. Vị trí địa lý:

Phường Hương Xuân thuộc thị xã Hương Trà, cách trung tâm thành phố Huế 11 km về phía Tây Bắc, có ranh giới:

- Phía Bắc giáp xã Quảng Phú, xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền.

- Phía Nam giáp xã Hương Bình.

- Phía Đông giáp xã Hương Toàn, phường Hương Chữ.

- Phía Tây giáp phường Hương Văn.

* Đặc điểm địa hình: Phường Hương Xuân có vùng đồng bằng và vùng đồi, trong đó: Vùng đồng bằng chạy dài từ phía Bắc của phường tới hết Thanh Khê (tổ dân phố 1), diện tích 1.025 ha chiếm 68,65 % diện tích tự nhiên của phường. Độ cao trung bình so với mặt biển 2,5 m. Đây là vùng sản xuất chính và dân cư tập trung. Vùng đồi tập trung ở phía Nam sông Bồ với tổng diện tích 468 ha, chiếm 31,35 % diện tích tự nhiên của phường, địa hình đồi bát úp. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 100m, độ cao lớn nhất 285m

 

2. Đất đai:

Diện tích tự nhiên 1.493 ha, trong đó:

- Đất nông nghiệp: 820 ha, gồm đất sản xuất nông nghiệp 416,91 ha, đất lâm nghiệp 395,76 ha, đất nuôi trồng thủy sản 7,33 ha;

- Đất phi nông nghiệp 626,19, gồm đất ở đô thị 170,78 ha, đất chuyên dùng 113,09 ha, đất tôn giáo, tín ngưỡng 12,1 ha, đất nghĩa trang, nghĩa địa 138,44 ha, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 191,78 ha;

- Đất chưa sử dụng: 46,81 ha, gồm đất đồi núi chưa sử dụng 29,11 ha, đất rừng chưa sử dụng 17,7 ha.

3. Dân số và lao động:

- Tổng dân số: 1.829 hộ với  8.628 khẩu.

- Tổng lao động trong độ tuổi tham gia làm việc 5.953 người, trong đó: Lao động nông nghiệp 1.409 người (chiếm 23,7%), lao động phi nông nghiệp 4.544 người (chiếm 76,3%);

 

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ, sự chỉ đạo, điều hành của UBND phường, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của UBMTTQVN và các Đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực, đoàn kết của cán bộ và nhân dân trên toàn phường, từ đó kinh tế có bước phát triển khá, văn hóa xã hội ngày càng khởi sắc, quốc phòng an ninh được giữ vững ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được những kết quả tiến bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng dịch vụ - nông ngiệp – ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, dịch vụ chiếm tỷ trọng 48,05%. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 26,35%, toàn phường có 416,9 ha đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực là lúa, cây công nghiệp ngắn ngày và sản xuất rau màu thực phẩm. Lĩnh vực ngành nghề - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 25,06%, chủ yếu là nghề mộc, nề bậc cao, may mặc, dày da, chằm nón… Hiện nay, trên toàn phường có 07 doanh nghiệp, 02 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và hàng trăm hộ cá thể hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, thương mại.

Hương Xuân là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng, nhân dân lao động cần cù, sáng tạo và đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, có tập quán văn hóa hình thành từ lâu đời, hiện nay đang được duy trì và phát triển. Trên địa bàn phường có 02 di tích lịch sử cấp Quốc gia: Di tích nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ và di tích kiến trúc nghệ thuật Phế tích tháp đôi Liểu Cốc, với nhiều công trình văn hóa tâm linh, khoản gần 200 nhà thờ họ, nhánh, 12 đình chùa và 02 niệm phật đường; có 4 trường học gồm 3 cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học, trong đó có 02 trường đạt chuẩn quốc gia. Trãi qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, trên mảnh đất Hương Xuân anh hùng được Tổ quốc ghi công 413 liệt sĩ, 182 thương binh, 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1724 huân huy chương các loại, 623 gia đình được ghi nhận có công giúp đỡ cách mạng. Sự cống hiến của Đảng bộ và nhân dân phường Hương Xuân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “ Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

 

Hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, nhân dân: Đối với cơ quan phường, đội ngũ cán bộ được tổ chức và biên chế đáp ứng được nhu cầu thực hiện nhiệm vụ trước mắt gồm 22 biên chế, 15 cán bộ hoạt động không chuyên trách và hợp đồng. Ở cơ sở, bố trí đủ chức danh theo quy định được hình thành trong tổ chức cộng đồng dân cư 14 tổ dân phố. Đảng bộ phường hiện nay có 184 đảng viên được thành lập 21 chi bộ trực thuộc, trong đó có 4 chi bộ trường học, 14 chi bộ theo địa bàn dân cư, 1 chi bộ Quân sự, và 1 chi bộ Công an và 1 chi bộ trạm Y tế.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.986.730
Truy câp hiện tại 48