Tìm kiếm tin tức
Không còn bọ gậy, không có sốt xuất huyết
Ngày cập nhật 03/08/2017
Cán bộ y tế kiểm tra vệ sinh môi trường tại một công trình xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).

Bên cạnh các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật mà ngành y tế đang tích cực triển khai như giám sát, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại cộng đồng; một biện pháp hữu hiệu khác là diệt ổ bọ gậy (loăng quăng) tại gia đình và thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Cục Trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết: SXH là bệnh cấp tính, có thể lây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra với bốn tuýp gây bệnh (được ký hiệu là: D1, D2, D3, D4). Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp, cho nên một người có thể mắc SXH lần thứ hai, thứ ba bởi những tuýp khác nhau.

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm vi-rút sau đó truyền cho người lành. Muỗi vằn đốt người vào ban ngày, chủ yếu là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng gia đình. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch như bể, chum, vại, lu, khạp, giếng, hốc cây; các đồ vật, hoặc đồ phế thải có chứa nước như: lọ hoa, bát nước kê chân chạn, lốp xe, vỏ dừa... Đáng chú ý, muỗi vằn không đẻ ở ao tù, cống rãnh hôi thối và thường phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt hơn 20°C.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH đang lưu hành tại 128 quốc gia, với hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh. Hằng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, tình hình dịch bệnh SXH đã giảm, hiện trung bình mỗi năm có từ 50 nghìn đến 100 nghìn trường hợp mắc và gần 100 người chết. Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 58 nghìn trường hợp mắc SXH, tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 18 trường hợp chết, nhất là số người nhập viện tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua được xác định là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình hầu hết các khu vực cao hơn so với những năm trước, dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Thói quen trữ nước của người dân chưa có nhiều thay đổi; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh; ý thức phòng bệnh SXH của người dân chưa cao, một bộ phận người dân chưa thật sự hợp tác với cơ quan chức năng trong chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, nhất là chưa chủ động diệt bọ gậy thường xuyên.

Hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu SXH, cho nên phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc-tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy, với tinh thần “không có bọ gậy, không có SXH”. Bên cạnh đó việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng, chống và xử lý các ổ dịch SXH. Người dân cần phối hợp các đơn vị y tế để bảo đảm tất cả các gia đình đều được phun hóa chất diệt muỗi và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Người mắc SXH thường có các dấu hiệu như có các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, khi có các biểu hiện nêu trên cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách cho người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây; ăn cháo, súp, sữa và dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol, hoặc đặt viên hạ sốt; không dùng aspirin để hạ sốt).

Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn như: li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, để phòng tránh muỗi đốt mọi người cần mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Người bị bệnh SXH phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt truyền bệnh sang cho những người chung quanh.

KHÁNH HUY
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.105.193
Truy câp hiện tại 3.774