Tìm kiếm tin tức
Phong trào thi đua phải cụ thể, sát đúng với thực tế...
Ngày cập nhật 12/06/2018
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Thuathienhue.gov.vn

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và thực hiện Chỉ thị số 22 –CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết:

Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, phát triển tỉnh nhà, các phong trào thi đua của tỉnh tiếp tục được phát động rộng khắp trên tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó. Đặc biệt những năm gần đây, công tác thi đua, khen thưởng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể đã đi vào nề nếp, có sự chuyển biến về chất, được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Một số phong trào thi đua điển hình như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,  phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và địa phương căn cứ vào nhiệm vụ thực tiễn của đơn vị mình đã tổ chức các phong trào thi đua như: lĩnh vực giáo dục với phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Nét đẹp văn hóa học đường”; lĩnh vực y tế với phong trào “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”; lực lượng vũ trang với phong trào: "Giành 3 đỉnh cao quyết thắng", "Xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ", "Vì an ninh Tổ quốc", "Bảo vệ đường biên, cột mốc"; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của công nhân, viên chức, lao động; phong trào “Tuổi trẻ thi đua sáng tạo - khởi nghiệp” của Đoàn thanh niên…Đặc biệt, TP. Huế với phong trào “Huế không tiếng còi xe”, phong trào “Vì thành phố xanh - sạch - đẹp” đã tạo sắc diện mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần cùng với cán bộ và Nhân dân toàn tỉnh đồng lòng thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Có thể khẳng định rằng, phong trào thi đua yêu nước ở Thừa Thiên Huế đã và đang đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác thi đua, khen thưởng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo, quy chế, quy định về công tác thi đua, khen thưởng; gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Thưa ông, vẫn còn ý kiến cho rằng, thi đua, khen thưởng còn nặng hình thức, chưa đi sâu vào thực chất?

Trong những năm qua, phong trào thi đua và công tác khen thưởng tuy đã có những chuyển biến tích cực, có nhiều đổi mới và đạt kết quả tốt, song cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa kịp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cụ thể là: Công tác chỉ đạo của một số ngành, địa phương, đơn vị đối với phong trào thi đua chưa được quan tâm coi trọng đúng mức, dẫn đến việc triển khai thực hiện còn chậm.Chưa chú trọng sơ, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến của cá nhân và tập thể có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua chưa được thường xuyên. Phong trào thi đua ở một số đơn vị, địa phương đã lan tỏa xuống tận cơ sở, trực tiếp người lao động, sản xuất nhưng chưa thật sự cuốn hút, đa dạng, phong phú, nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa sát đúng với phong trào, với hiện thực nên các cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất số lượng được khen thưởng, biểu dương chưa nhiều.

Phong trào thi  đua yêu nước tạo thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may Huế). Ảnh: Minh Nguyên

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong các phong trào thi đua, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Trước hết, một trong những bài học kinh nghiệm qua tổ chức phong trào thi đua, đó là nêu cao vai trò của người đứng đầu, người cán bộ trực tiếp làm phong trào, đồng thời nêu cao vai trò của người trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng. Đối với người làm công tác thi đua, khen thưởng, ngoài nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thì phải có năng lực, có tâm huyết để tham mưu đề xuất các phong trào thi đua cụ thể, sát đúng với thực tế ở mỗi đơn vị, địa phương mình.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về phong trào thi đua; trong đó cần phải có các nội dung cụ thể, đồng thời các đơn vị, địa phương cần căn cứ vào nhiệm vụ của mình để xây dựng phong trào với mục tiêu rõ ràng, thiết thực, gắn phong trào thi đua với công tác tuyên truyền, việc chăm lo xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ba là, phong trào thi đua phải được phát động một cách thường xuyên, liên tục; chú ý tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng; kịp thời động viên, biểu dương các địa phương, đơn vị làm tốt; nghiêm túc phê bình những nơi chậm triển khai và không thực hiện đúng các quy định của Luật, Nghị định và các văn bản liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.

Năm là, phong trào thi đua phải được sơ kết, tổng kết để nêu ra được những ưu, khuyết điểm và đúc rút bài học kinh nghiệm. Việc phát hiện, xây dựng và nhân điển hình các tập thể, cá nhân tiên tiến phải làm thường xuyên. Công tác xét duyệt phải dựa vào tiêu chuẩn quy định, bình xét thi đua đúng người, đúng thành tích, những cá nhân được khen thưởng phải tiêu biểu, nổi bật để phát huy hiệu qủa của các phong trào thi đua.

Theo ông, để phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh ta ngày càng phát huy hiệu quả, những giải pháp đặt ra là gì?

Để phong trào thi đua yêu nước thực sự đi vào cuộc sống, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần tiếp tục triển khai, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước cũng cần phải đổi mới để đạt hiệu quả thiết thực; phong trào thi đua phải cụ thể, sát đúng với thực tế của địa phương, đơn vị; các hình thức, phương thức phải cụ thể, có tiêu chí, thành phần rõ ràng để mọi người cùng tham gia. Các cấp ủy, chính quyền của cơ quan, đơn vị xem phong trào thi đua là nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phải đưa phong trào thi đua đi vào nề nếp, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình, hỗ trợ điển hình phù hợp với từng địa phương, đơn vị để động viên khích lệ mọi người tham gia. Đưa các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể vào phong trào thi đua, nội dung thi đua không dàn trải, tập trung triển khai tại các mô hình điểm, rồi nhân rộng ra trong toàn địa phương, đơn vị. Sau mỗi phong trào thi đua phải có tổng kết đánh giá, khen thưởng kịp thời các điển hình. Nhà nước cũng cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách, chế độ thi đua khen thưởng, đặc biệt là chú trọng và tạo điều kiện cho những tài năng phát huy để họ cống hiến cho Tổ quốc nhiều ý tưởng, sáng kiến hay, đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội. Mặt khác, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị và báo chí cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về các điển hình tiên tiến có những sáng tạo trong lao động sản xuất, chiến đấu...

Xin cảm ơn ông!

Hào Vũ (thực hiện)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.234.254
Truy câp hiện tại 152