Tìm kiếm tin tức
Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Ngày cập nhật 03/11/2020

Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, theo đó Luật có bố cục gồm 3 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai

Luật quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai; Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực theo quy định, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

Luật cũng bổ sung quy định ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Về ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai, Luật quy định rõ: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều

Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 7 như sau: “Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7 như sau: “Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 7 như sau: “Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều, các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục”.

 Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 28 như sau: “Việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều theo quy định của Luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê”.

Bên cạnh đó, Luật quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, chỉ đạo thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vận hành hồ chứa thủy điện.

Ngoài ra, còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến hoạt động cấp phép; xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều; quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Lê Văn Thuyên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.989.538
Truy câp hiện tại 779