Tìm kiếm tin tức
LỢI ÍCH CỦA ĐỊA CHỈ SỐ
Ngày cập nhật 13/04/2024

Địa chỉ số là gì ?

Địa chỉ số là một hệ thống mã số được gán cho từng đối tượng (nhà, công trình, thửa đất,...) trên địa bàn hành chính để xác định vị trí của đối tượng đó một cách chính xác trên bản đồ.

Địa chỉ số gia đình được hình thành từ việc số hóa các thông tin về hộ gia đình, nhân khẩu và các thông tin liên quan đến hạ tầng số trong từng hộ gia đình.

Việc tạo lập địa chỉ số tại tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai qua công cụ tập trung là Hue-S (nền tảng chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế).

Lợi ích của địa chỉ số?

Lợi ích về dữ liệu số

Chuyển đổi số quan trọng nhất là dựa vào dữ liệu số, việc số hóa và khai thác dữ liệu số đúng phương pháp sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Công cuộc chuyển đổi số có khó khăn, thuận lợi hay không phần nhiều quyết định ở việc xây dựng, hình thành và khai thác các dữ liệu số.

Thời gian quan, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được xếp vào top đầu của quốc giá, đó là điều rất phấn khỏi. Song, sau khi đánh giá lại cụ thể thì tỉnh chúng ta có nhiều yếu tố chưa đảm bảo các tiêu chí bền vũng, một trong những nguyên nhân đó là dữ liệu số chưa đầy đủ. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu địa chỉ số. Bởi vì, dữ liệu địa chỉ số là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu kép: Vừa làm cơ sở để đảm bảo các tiêu chí về “Xã hội số” và “Kinh tế số theo hướng bền vững, vừa đảm bảo điều kiện để thực hiện thành công Đề án 06 và cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho người dân, hộ gia đình được thụ hưởng các dịch vụ số đúng nghĩa.

Ví dụ: Quá trình chuyển đổi số thì việc sử dụng dữ liệu số để phục vụ các vấn đề quản lý là tất yếu. Nhưng thực tế hiện nay việc số hóa hạ tầng địa chỉ và nhân khẩu đang được thực hiện bởi nhiều cơ quan dẫn đến khối lượng công việc cho địa phương tăng, dữ liệu không xác thực được với CSDL dân cư nên kết quả dữ liệu đã số hóa không đảm bảo điều kiện, khả năng dùng chung chưa được thực hiện hiệu quả. Do vậy, chỉ khi hoàn thiện được dữ liệu địa chỉ số trên cơ sở kết nối xác thực với CSDL dân cư ngay sau khi số hóa thì mới hình thành được cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất cho các ngành, địa phương sử dụng. 

Quản lý hạ tầng nhà ở

Địa chỉ số về hạ tầng nhà ở (hộ gia đình) được tích hợp vào nền tảng bản đồ số dùng chung của tỉnh, sẽ hình thành cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin cho các cấp, các ngành, các địa phương về tình hình phân bổ nhà ở trên địa bàn, từ đó hỗ trợ cho ngành, chính quyền địa phương quản lý hiện trạng, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng được chặt chẽ, khoa học hơn.

Địa chỉ số về hạ tầng nhà ở sẽ được liên thông, tham chiếu vào CSDL địa chỉ của ngành Tài Nguyên và Môi trường trong công tác cấp phép xây dựng và các nghiệp vụ liên quan khác. Từ đó, nguồn dữ liệu địa chỉ số sẽ phục vụ công tác quản lý của các chính quyền địa phương liên quan về công tác nắm bắt thực trạng hộ gia đình trong tình hình sử dụng đất đai, xây dựng và các bài toán liên quan khác được phân tích, xử lý trên nền tảng dữ liệu số.

Quản lý nhân khẩu

Địa chỉ số ngoài việc xác định vị trí của từng gia đình thì còn kèm theo thông tin về nhân khẩu trong từng hộ gia đình. Thông tin nhân khẩu hộ gia đình sau khi số hóa, sẽ được kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư để hình thành nguồn dữ liệu đảm bảo chính xác ngay từ đầu. Với nguồn dữ liệu địa chỉ số có thông tin nhân khẩu đã xác thực, chính quyền địa phương có thể chủ động các bài toán quản lý liên quan dân số, nhân khẩu trên địa bàn mà không bị động, phụ thuộc vào các cơ sở dữ liệu khác.

Bên cạnh đó, dữ liệu địa chỉ số còn được liên thông với các dịch vụ hành chính công liên quan như: Khai sinh, khai tử .v.v. và tự động cập nhật biến động nhân khẩu trên địa bàn, từ đó không cần phải thực hiện công tác điều tra hoặc cập nhật khác, giảm thiểu các nhiệm vụ gây áp lực cho địa phương như trước.

Quản lý hạ tầng số

Địa chỉ số kèm theo thông tin số hóa hạ tầng số của hộ gia đình (và nhân khẩu trong hộ gia đình) như tình trạng sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng máy tính bảng, sử dụng internet .v.v. hình thành nguồn CSDL giúp chính quyền địa phương quản lý được thực trạng hạ tầng số trên địa bàn, từ đó có cơ sở để hoạch định các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số địa phương.

Căn cứ vào CSDL địa chỉ số của địa phương, bên cạnh các chính sách thúc đẩy hạ tầng số của Trung ương, các doanh nghiệp Viễn thông cũng sẽ có cơ sở để chủ động triển khai cụ thể các chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số địa phương (theo địa chỉ) như hỗ trợ điện thoại thông minh giá rẻ, mua trả góp điện thoại, hỗ trợ dịch vụ dữ liệu .v.v. Địa chỉ số sẽ giúp việc xác định được chính xác các đối tượng cần tiếp cận hỗ trợ từ đó triển khai các kế hoạch thúc đẩy được tiến hành đúng địa chỉ, hiệu quả và tiến độ nhanh.

Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách

Việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tiếp cận thông tin thông qua hoạt động các hỗ trợ về điện thoại thông minh, Internet đến tận hộ gia đình đang được triển khai rất chậm. Nguyên nhân là dữ liệu hiện nay từ các địa phương cung cấp, khi gửi ra Trung ương và đối soát với CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện chính sách thì gặp rất nhiều sai sót: nhiều thông tin nhập sai, thiếu chính xác .v.v. Từ đó dẫn đến nhiều hộ nghèo, cận nghèo của địa phương chưa được hỗ trợ kịp thời theo chương trình « Viễn thông công ích ».

Địa chỉ số gắn với việc số hóa thông tin hộ nghèo, cận nghèo được xác thực với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi số hóa sẽ đảm bảo độ chính xác tuyệt đối và từ đó tăng tính hiệu quả, tốc độ cho việc áp dụng chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn các cấp.

Ngoài ra hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang làm việc với các doanh nghiệp bưu chính về chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách theo hướng: Căn cứ địa chỉ số của hộ nghèo nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách đã được xác thực, khi hộ gia đình có nhu cầu đăng ký dịch vụ công, gửi hồ sơ và nhận kết quả thì các hoạt động này có thể được hỗ trợ ngay tại nhà của hộ gia đình (có nhân sự tiếp cận, hỗ trợ trực tiếp), hộ dân không cần phải di chuyển đến các trung tâm phục vụ hành chính công (hoặc bộ phận tiếp nhận trả kết quả của địa phương) kèm theo nhiều cơ chế ưu đãi (Vd: miễn giảm phí chuyển phát). Hộ gia đình chỉ cần thao tác, báo phát sinh nhu cầu thông qua ứng dụng Hue-S hoặc gọi báo đến 19001075.

Địa chỉ số gắn với thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách còn được quản lý, cập nhật biến động theo thời gian thực thông qua các thao tác trực tuyến qua ứng dụng Hue-S, từ đó sẽ đảm nguồn dữ liệu có tính xác cao và giảm thiểu hoạt động điều tra, xác minh định kỳ, giảm áp lực cho địa phương.

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số tại địa phương

Địa chỉ số còn được liên kết với CSDL doanh nghiệp, CSDL hộ kinh doanh cá thể, CSDL hợp tác xã. Qua đó, chính quyền địa phương có thể xác định được số lượng, địa điểm và loại hình các cơ sở kinh doanh (kèm theo các dữ liệu, thông tin kinh doanh khác) để quản lý rõ thực trạng nhằm thuận tiện đánh giá khả năng tham gia thị trường thương mại điện tử, phục vụ xây dựng, hoạch định các chương trình thúc đẩy kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm và tăng khả năng kiểm soát về tỷ trọng phát triển dựa trên dữ liệu số.

Ngoài ra, dữ liệu địa chỉ số với việc xác định chính xác vị trí từng hộ gia đình trên địa bàn sẽ là cơ sở để thúc đẩy hiệu quả quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa và sản phẩm địa phương (Logistics) trong mục tiêu thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế số trên địa bàn.

Cung cấp dịch vụ tiện ích đến tận hộ gia đình thông qua các dịch vụ đô thị thông minh

Địa chỉ số sau khi được hoàn thành, xác thực sẽ được tích hợp vào phân hệ ứng dụng « Nhà của tôi » trên Hue-S, từ đó mỗi hộ gia đình có thể dễ dàng thụ hưởng các dịch vụ đô thị thông minh theo địa chỉ, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của hộ gia đình (hiện nay Hue-S đã liên kết với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích theo địa chỉ, đến với từng hộ gia đình, đảm bảo an toàn tương tác trên không gian mạng).

Thông qua ứng dụng Hue-S, chính quyền địa phương có thể triển khai các thông tin, thông báo cảnh báo theo chủ đề, khới đúng phạm vi các đối tượng trên địa bàn (theo địa chỉ) mà không làm ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân trên các địa bàn khác hoặc các đối tượng không liên quan đến chủ đề thông tin, cảnh báo. Như vậy, địa chỉ số là cơ sở để giúp cho chính quyền địa phương gửi thông báo, cảnh báo, truyền thông qua Hue-S chính xác đến đối tượng người dân liên quan các chủ đề xảy ra trên địa bàn, chính xác đến tận cấp thôn, tổ.

Với các dịch vụ đô thị thông minh có liên kết, tích hợp từ các doanh nghiệp vào Hue-S, thông qua cơ sở kiểm tra địa chỉ số, nếu dữ liệu xác định là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thì sẽ được áp dụng ngay chế độ hỗ trợ dịch vụ mà không cần phải mất nhiều thủ tục xác minh. Ví dụ: Sở Thông tin và Truyền thông đang làm việc, xúc tiến với Công ty cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế để đảm bảo triển khai các chính sách cho hộ nghèo ngay trên Hue-S.

Phục vụ công tác quản lý phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn

Thông qua địa chỉ số, chính quyền địa phương, các đơn vị cứu hộ cứu nạn có thể nắm được chính xác vị trí, phân bố và tình hình dân số trên địa bàn để xây dựng, triển khai nhanh chóng các phương án trong hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp có liên quan đến hoạt động định vị và triển khai khẩn cấp khi có tác động bất ngờ về thiên tai, hỏa hoạn.

Thật vậy, dữ liệu địa chỉ số sẽ còn đem lại rất nhiều giá trị, công dụng và đa dạng tiện ích khác cho thực tiễn khai thác, sử dụng, quản lý và quy hoạch, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương.

Phương pháp, quy trình số hóa tạo lập CSDL địa chỉ số

Văn bản căn cứ:

Quyết định số 392/QĐ-BTTTT ngày 02 tháng 03 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn liền với địa chỉ số;

Quyết định số 2012/QĐ-BTTTT ngày 20/10/2023 của Bộ TTTT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số (Kế hoạch) ban hành kèm theo Quyết định số 392/QĐ-BTTTT ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT.

Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 5/5/2022 về việc Phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công văn số số 1651/UBND-CN ngày 22/02/2024 của UBND tỉnh về số hóa địa chỉ số hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên nền tảng Hue-S.

Trách nhiệm số hóa địa chỉ số

Các địa phương:

-  Chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện số hóa địa chỉ số trên địa bàn quản lý.

-  Thực hiện việc xác nhận, phê duyệt dữ liệu sau khi được số hóa

Sở Thông tin và Truyền thông:

- Cung cấp công cụ, nền tảng

- Hỗ trợ hướng dẫn thực hiện các quy trình số hóa.

Quy trình và cách thức thực hiện

Toàn bộ tài liệu hướng dẫn quy trình thu thập cập nhật dữ liệu chi tiết tại đường dẫn: https://sohoa.thuathienhue.gov.vn/UploadFiles/eform/5892/2024/03/diachiso.pdf

Hoặc quét mã QR để xem hướng dẫn:

 

Văn Tám
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 11.370.197
Truy câp hiện tại 1.958