Tìm kiếm tin tức
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hiến pháp 1946
Ngày cập nhật 09/11/2016
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Ảnh: TL

Từ năm 1946 đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và mới đây Hiến pháp 2013. Như vậy, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò to lớn đối với sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp là bộ luật gốc, không chỉ là ý nguyện của toàn dân mà nó liên quan đến bản chất của nhà nước, đến chính thể mà quốc dân lựa chọn, đến việc tổ chức mô hình bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương... Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề xây dựng và ban hành Hiến pháp từ rất sớm.

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Ảnh: TL

Ngày 20/9/1945, Người đã ký Sắc lệnh số 34 về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Hiến pháp chỉ có giá trị pháp lý và chỉ trở thành công cụ quyền lực khi được Quốc hội thông qua và được ủy quyền cho Chủ tịch nước ký công bố. Đây chính là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí với đề nghị của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất là thành lập Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội với 11 thành viên. Với cương vị là người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng trong việc lãnh đạo và chỉ đạo Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội. Tiểu ban đã tiếp thu những kết quả nghiên cứu và dự thảo của Ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban, tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể một số chương, điều và nội dung cụ thể của từng điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 thành viên (hầu hết là các trí thức, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân) làm đầu mối tập hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Thông qua Mặt trận Việt Minh, việc lấy ý kiến nhân dân cũng được tiến hành khẩn trương nghiêm túc và đúng trình tự, đồng thời đảm bảo các hoạt động của đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự cố gắng của Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội, sự nỗ lực của các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cùng quyết tâm của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước, tháng 10/1946, bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã hoàn thành. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn ở Thủ đô Hà Nội, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là thảo luận và thông qua bản Hiến pháp. Trong phiên họp ngày 29/10/1946, Quốc hội biểu quyết bổ sung thêm 10 đại biểu là đại diện cho các nhóm đại biểu trung lập, đại biểu Nam bộ, đại biểu dân tộc thiểu số bổ sung vào Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội.

Theo hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời, đồng thời là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam (Nghị viện nhân dân) kiêm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đã tham gia trao đổi tất cả các nội dung, tranh luận và giải thích tất cả các vấn đề mà các đại biểu nêu ra một cách thuyết phục.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới với sự nhất trí gần như tuyệt đối với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu có mặt tại phiên họp này. Đây là một kết quả vô cùng quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I rằng: “Hơn 10 ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã hoàn thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp được coi là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản hiến pháp đó chưa phải hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó nói với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân, một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn và súc tích, ngoài lời nói đầu, gồm 7 chương với 70 điều quy định về chính thể, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, cơ cấu của Quốc hội, của Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, cơ quan tư pháp và việc sửa đổi Hiến pháp được quy định như thế nào? Hiến pháp năm 1946 là kết quả của một quá trình chuẩn bị thử nghiệm qua các hình thức ngay từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) tại Cao Bằng khi mà vấn đề giành chính quyền trở thành nhiệm vụ trực tiếp của cuộc cách mạng. Đặc biệt được thử nghiệm ở giai đoạn tiền khởi nghĩa ở Khu giải phóng, với “10 chính sách Việt Minh” được xem như là “Hiến pháp lâm thời”, “Quốc dân đại hội Tân trào” (16/8/1945) được xem như là “Quốc hội lâm thời” và Ủy ban dân tộc giải phóng được xem như là Chính phủ lâm thời. Sở dĩ Hiến pháp 1946 được ra đời sớm và nhận được sự nhất trí cao, được thông qua nhanh chóng tại Quốc hội chính là nhờ có sự chuẩn bị kỹ, tích lũy kinh nghiệm nhiều và như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nó được làm lên theo một hoàn cảnh thực tế”.

Ngày 9/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Về tính chất, đó là Hiến pháp của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Lời nói đầu ghi rõ: “Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới...”

Đã 70 năm trôi qua, nhưng Hiến pháp 1946 vẫn và sẽ còn nguyên giá trị lịch sử và tính tiến bộ của nó, bởi nó thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền nhân dân, giữ vai trò chỉ dẫn các nguyên tắc cơ bản về xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, còn chứa đựng trong từng câu từng chữ “tư tưởng lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

PHAN CÔNG TUYÊN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.143.362
Truy câp hiện tại 1.803